Phạt nặng lái xe sử dụng rượu bia: Đặt sức khỏe lên hàng đầu

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những quy định khắt khe của Nghị định 100 được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến ý thức người cầm lái, giúp kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Đây là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - TS Nguyễn Huy Quang.

Phat nang lai xe su dung ruou bia: Dat suc khoe len hang dau - Hinh anh 1
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - TS Nguyễn Huy Quang

Trong 7 năm xây dựng luật, đã có sự mâu thuẫn và tranh luận rất lớn giữa các bên về vấn đề sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế của các DN. Điều đáng mừng, luật vẫn được ban hành, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Đây là một đạo luật có xung đột rất lớn về mặt lợi ích, trong đó có lợi ích về chính sách an sinh xã hội và lợi ích liên quan đến kinh tế. Về an sinh xã hội, chúng ta đều biết việc sử dụng rượu, bia nhiều sẽ ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, đến kinh tế của mỗi gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực tình dục… cũng ngày một gia tăng có nguyên nhân do rượu, bia gây ra.

Theo thống kê, tỷ lệ TNGT thông do sử dụng rượu, bia chiếm tới 36%, gây thiệt hại khoảng 1% GDP. Để nói về mặt lợi ích kinh tế, tôi cho rằng, nếu như thu ngân sách khoảng 50 nghìn tỷ đồng/năm tại thời điểm 2018 thì số tiền phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của bia, rượu ở mức thấp nhất đã lên tới 65 nghìn tỷ đồng/năm, nhiều hơn nguồn ngân sách thu được từ rượu, bia. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, chúng tôi đã đánh giá và cân nhắc nhiều yếu tố khi xây dựng luật, nhưng quan điểm xuyên suốt là phải đặt lợi ích sức khỏe của người dân, lợi ích về mặt an sinh - xã hội lên hàng đầu.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển bền vững, coi trọng sức khỏe của người dân, coi trọng các vấn đề về xóa đói giảm nghèo, coi trọng các vấn đề về trật tự an toàn xã hội lên trên lợi ích về mặt kinh tế.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được đánh giá là có khá nhiều giải pháp mạnh nhưng vẫn còn một số điểm chưa được như mong muốn. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

- Chiến lược toàn cầu về kiểm soát rượu, bia của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến nghị về ba giải pháp chính sách thiết yếu, hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ và giảm tác hại của rượu, bia bao gồm: Hạn chế tính sẵn có, dễ tiếp cận; kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, tài trợ và tăng thuế cao đối với rượu, bia. Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam đã tiếp cận theo khuyến cáo này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm trong Luật chưa thực hiện được đầy đủ theo khuyến cáo của WHO như: Chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia. Điều này làm cho giá rượu, bia ở Việt Nam trở nên rẻ và dễ mua. Các quy định về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại rượu, bia dưới 5,5 độ còn rất nhẹ trong khi đây là phân khúc chính chiếm tới gần 90% sản lượng. Các quy định về quảng cáo, bán rượu, bia trên môi trường mạng còn lỏng và chưa có cơ chế kiểm soát khả thi. Việc quản lý cấp phép kinh doanh rượu, bia chưa có cơ chế để hạn chế mật độ điểm bán rượu, bia. Điều này làm cho rượu, bia rất dễ tiếp cận…

Sau gần 2 tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, ông có thể đánh giá ban đầu về những kết đạt được?

- Luật ra đời có hiệu ứng xã hội rất mạnh, quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được người dân cũng như dư luận xã hội tích cực ủng hộ. Và thực tế, thông tin từ các BV, trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân nhập viện có liên quan đến rượu, bia có xu hướng giảm. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, với một hệ thống pháp luật đồng bộ có nhiều quy định và chế tài xử phạt, hy vọng mục tiêu “đặt sức khỏe lên hàng đầu” sẽ được biến thành hành động cụ thể.

Nam Trần thực hiện

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h