Phạt nặng lái xe vi phạm nồng độ cồn: Băn khoăn về số “0” tuyệt đối

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc nâng cao mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, mức phạt trên là tương đối cao và còn cứng nhắc bởi số “0” tuyệt đối.

Phat nang lai xe vi pham nong do con: Ban khoan ve so “0” tuyet doi - Hinh anh 1
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông trên đường Xuân Thủy. Ảnh: Hải Linh

Không khoan nhượng

Với việc áp dụng khung hình phạt mới theo Nghị định 100/2019/NĐ - CP vừa có hiệu lực, mức phạt đối với nhiều vi phạm giao thông đã tăng khoảng 150 - 250% so với trước đây, đặc biệt là với lỗi sử dụng rượu, bia khi lái xe. Qua đó, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm các quốc gia “không khoan nhượng” với việc sử dụng rượu, bia khi lái xe. Có nghĩa là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0 mg/l khí thở) đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp.

Theo thống kê, trên thế giới có 20 quốc gia đã áp dụng quy định cấm ở mức độ này. Số quốc gia còn lại đều đặt ra giới hạn mức tối thiểu từ 0,2 - 0,5mg/l khí thở trở lên mới bị xử phạt. Tại Cộng hoà Séc, lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe được Chính phủ áp dụng từ năm 1953. Có 3 mức độ vi phạm tùy thuộc nồng độ cồn của lái xe. Ở mức nhẹ nhất, từ 0 - 0,03%, lái xe ô tô sẽ bị phạt 500 - 700 Euro và tước giấy phép lái xe 6 tháng. Hungary cũng mới áp dụng quy định tương tự từ năm 2018. Với nồng độ cồn từ 0 - 0,08%, tài xế có thể bị cấm điều khiển phương tiện nhiều nhất 3 năm và số tiền phạt có thể lên tới 3.000 Euro. Tại Slovakia, thậm chí phạt tù tới 12 tháng đối với hành vi sử dụng chỉ một chút rượu, bia khi lái xe.

Tại Mỹ, khi lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép có thể bị phạt rất nặng, đồng thời tịch thu xe và sung vào công quỹ. Khoảng 40 bang của Mỹ áp dụng hình phạt tù từ 1 - 60 ngày nếu người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn từ lần thứ 2 trở lên, dù không gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, ở nhiều bang, việc tài xế mở lon bia hay chai rượu khi đang lái xe cũng được xem là hành vi phạm tội nghiêm trọng, ngay cả khi họ chưa uống. Còn tại Trung Quốc, trong năm 2018 đã có hơn 5.000 trường hợp bị cấm lái xe suốt đời do sử dụng rượu bia, điều khiển phương tiện gây TNGT đến mức phải xử lý hình sự.

Quy định mới có cứng nhắc?

Đa số các nước trên thế giới đều đang áp dụng một mức sàn đối với việc vi phạm về nồng độ cồn, từ 0,2 - 0,5mg/l khí thở. Có nghĩa là lái xe có nồng độ nhỏ hơn mức sàn thì không bị xử phạt. Việc cấm triệt để như trong Nghị định 100/2019/NĐ - CP mà Việt Nam vừa áp dụng đang gặp phải một số ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, quy định có phần cứng nhắc vì số “0” là quá tuyệt đối.

TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ, hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những ngưỡng tiêu chuẩn về nồng độ cồn khi tham gia giao thông nhằm khống chế các vi phạm sử dụng rượu, bia nhưng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu đến từ ăn uống, thuốc… “Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là không tốt. Bởi vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu TNGT cũng như bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, việc có một ngưỡng tiêu chuẩn hợp lý sẽ loại bỏ hoàn toàn các dương tính giả” - ông Sơn nhấn mạnh.

Luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy định liên quan đến nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô là không mới, mà chỉ tăng mức phạt lên để đủ sức răn đe. Các ý kiến trái chiều của người dân vừa qua chủ yếu xoay quanh quy định nồng độ cồn bằng “0” mới được áp dụng cho người điều khiển xe máy và xe đạp. Đây vốn là đối tượng chiếm số lượng đông đảo nhất trong cơ cấu phương tiện tham gia giao thông hiện nay. “Mức phạt tiền từ 2 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là tương đối cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc sợ bị phạt, trốn tránh, chống đối và xa hơn là tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện khi bị xử lý” - ông Thắng cho hay.

Để tăng cường việc xử lý các trường hợp vi phạm, ngày 6/1, Cục CSGT (Bộ Công an)  có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT công an các tỉnh, TP tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Ở góc độ tâm lý, hình phạt nặng sẽ phát huy tác dụng tới hành vi của người tham gia giao thông nhằm kiềm chế ngay từ đầu việc uống rượu, bia rồi lái xe. Uống dù ít hay nhiều cũng đều dẫn đến nguy cơ TNGT cao, gây nguy hiểm cho bản thân mình và người khác. Vậy nên, việc xử lý triệt để giúp uốn nắn những hành vi chưa chuẩn là cần thiết để họ buộc phải nhận thức và xác định lại cách thực hiện hành vi uống rượu bia cho phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng - trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Hoàng Hiệp - Đặng Sơn

Tin liên quan