Tương xứng với hành vi
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân một ngày trong 11 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người, bị thương 47 người.
Tình hình tai nạn giao thông dù được cải thiện nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như: không tuân thủ đèn tín hiệu hay vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn vẫn còn nghiêm trọng về cả tính chất lẫn mức độ thiệt hại; Tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng, chạy quá tốc độ, sai làn vẫn còn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường…
Với mục tiêu tăng cường ý thức chấp hành luật giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn và bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 chính thức tăng nặng mức xử phạt, tập trung vào nhóm các hành vi vi phạm giao thông gây nguy hiểm và tái diễn thường xuyên.
Cụ thể, hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn đỏ được nâng mức phạt đối với ô tô từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng; xe máy từ 800.000 - 1 triệu đồng nâng lên 4 - 6 triệu đồng; hành vi lùi hoặc quay đầu xe trên cao tốc phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tăng đáng kể so với mức 16 - 18 triệu đồng trước đây; dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định trên cao tốc cũng bị tăng mức phạt từ 10 - 12 triệu đồng lên 12 - 14 triệu đồng; Lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường phạt 40 – 50 triệu đồng;
Bên cạnh đó, hành vi vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định từng bị phạt 600.000 - 800.000 đồng, nay tăng lên 18 - 22 triệu đồng. Chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ, xe lăn hoặc xe thô sơ bị nâng mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng lên 4 - 6 triệu đồng…
Theo Cục CSGT, mục tiêu của Nghị định mới là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trước đây còn bất cập, mức phạt chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi, chưa tạo được sức răn đe với xã hội.
Ghi nhận các ý kiến từ dư luận xã hội cho thấy, đa số đều đồng ý với việc có thêm các giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông.
Góp ý thêm về vấn đề này, chuyên gia giao thông thạc sỹ Đỗ Cao Phan cho rằng, bên cạnh việc xử phạt vấn đề quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc vi phạm giao thông là sai, sẽ bị phạt rất nặng, từ đó có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành. Bên cạnh đó, yếu tố minh bạch trong xử lý sai phạm cũng cần được đề cao để tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện của cả người tham gia giao thông lẫn lực lượng chức năng.
Rõ ràng để xử nghiêm
Trước đó, trên một diễn đàn về xe và giao thông, một tài xế tên Minh Hiếu đăng bài chia sẻ việc mua xe trả góp để chạy dịch vụ. Mức thu nhập hàng tháng từ công việc lái xe khoảng 12 triệu đồng. Dù rất cẩn thận nhưng do không phải lúc nào cũng thông thạo mọi cung đường nên lái xe rất có thể vẫn dính lỗi như vượt vài giây đèn đỏ vì đèn bất ngờ chuyển xanh không đếm lùi, biển báo bị che phủ bởi cây cối, biển bảng quảng cáo, vạch kẻ làn đường bị mờ khiến việc dừng đỗ sai vạch, lấn làn...
Theo anh Minh Hiếu, việc tăng nặng mức phạt của Nghị định mới là nhằm răn đe hành vi vi phạm nhưng nếu vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều do lỗi khách quan như trên mà phạt tới vài chục triệu thì một gia đình đang phải đi thuê nhà, nuôi con cái ăn học và trả góp tiền mua xe chạy dịch vụ sẽ gặp khó khăn. Do đó, để công bằng cần xét đến các vi phạm của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý giao thông nếu để xảy ra tình trạng “bẫy giao thông” trên đường.
Về vấn đề này, chuyên gia giao thông thạc sỹ Đỗ Cao Phan cũng cho rằng, hiện nay hạ tầng giao thông nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện, một số khu vực, tuyến đường hạ tầng giao thông còn chưa hoàn chỉnh, thiếu biển báo, hoặc bị mờ sơn đường…bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, do đó, muốn việc xử phạt nghiêm minh, hiệu quả thời gian đầu cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức chấp hành.
CSGT có thể gửi các nội dung về mức phạt mới tới các doanh nghiệp, nhà xe, lái xe biết để tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm; Tại các trạm thu phí, ra vào đường cao tốc sẽ được phát thanh, hình ảnh, đưa các hành vi này lên các bảng điện tử chạy chữ để tuyên truyền trên tuyến...
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, đơn vị quản lý vận hành tuyến đường phải quan tâm đến việc duy tu bảo trì hạ tầng giao thông như kẻ lại làn đường, bổ sung các biển báo, phát quang cây cối, biển quảng cáo che lấp chỉ đường…để tạo môi trường giao thông an toàn, thuận lợi.
Vi phạm giao thông có nhiều nguyên nhân có cả do lỗi chủ quan và khách quan, do đó, sai phạm đến đâu cần xét đến đó, cứ rõ ràng, minh bạch lỗi của ai người đó phải chịu trách nhiệm. Vị chuyên gia này cũng cho rằng bên cạnh xử phạt trực tiếp cần tăng cường xử phạt nguội để tránh vì mức phạt cao mà phát sinh tiêu cực, xin xỏ, làm luật.
“Không phải cứ phạt cao, phạt nhiều là tai nạn sẽ giảm. Tôi mong rằng, người tham gia giao thông nhìn nhận đúng về mức phạt vi phạm giao thông tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Từ đó, nhận thức rõ hành vi vi phạm giao thông là sai, bị phạt nặng mà nghiêm chỉnh chấp hành. Chỉ khi thực thi luật giao thông nghiêm túc thì mới đảm bảo an toàn cho chính mình và người cùng tham gia giao thông đường, qua đó kéo giảm tai nạn, tạo môi trườngg giao thông văn minh, thuận lợi” - thạc sỹ Đỗ Cao Phan nói.