Phạt nguội vi phạm giao thông qua camera: Chỉ cần nắm người “có tóc”

 
Chia sẻ

Mấu chốt của những bất cập, chính là lựa chọn giữa việc phạt ai, chủ xe, hay người vi phạm?

Thống kê tại một số địa phương cho thấy, tỷ lệ phạt nguội qua hình ảnh trích xuất từ camera đạt khá thấp. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Cục CSGT- đơn vị quản lý về trật tự an toàn giao thông trên hệ thống cao tốc của toàn quốc.

Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều phương tiện khi mua, bán, cho, tặng không sang tên đổi chủ hoặc người đang sử dụng thay đổi chỗ ở. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? 

Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, dù Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera, song đến nay hiệu quả xử phạt vẫn khá thấp. Cụ thể, năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, đơn vị nàyđã gửi hơn 7.000 thông báo vi phạm trích xuất từ hệ thống camera để gửi đến các chủ phương tiện.

Tuy nhiên, số người đến chấp hành quyết định xử phạt chỉ đạt khoảng 50%: "Hiện nay Cục CSGT, Giám đốc Công an Thành phố đang chỉ đạo chúng tôi cung cấp danh sách biển số xe vi phạm lên trang web của Cục CSGT. Tôi nghĩ đây là chủ trương hết sức đúng đắn và việc cung cấp danh sách biển số xe vi phạm được phát hiện qua camera lên thì người dân dễ dàng nắm bắt được tình trạng vi phạm của phương tiện do mình đang quản lý hoặc điều khiển để chủ động liên hệ cơ quan chức nưng để làm thủ tục xử lý theo quy định”.

Phat nguoi vi pham giao thong qua camera: Chi can nam nguoi “co toc” - Hinh anh 1
Hàng loạt tuyến đường đã được lắp đặt camera phạt nguội tại Hà Nội.

Tại TP.HCM, tình trạng xử lý vi phạm qua hình ảnh còn ảm đạm hơn. Cụ thể, những tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã trích xuất 27.280 trường hợp, nhưng cũng chỉ xử phạt được hơn 4.800 trường hợp, đạt 17,62%. Lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP. HCM cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với công an địa phương chuyển thông báo vi phạm và nhắc nhở người vi phạm chấp hành theo quy định. 

Ngoài ra, Phòng CSGT, Công an TP. HCM cũng giao quyền chủ động cho các đội xử lý phạt nguội. Về điều này, đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội Bàn Cờ, Phòng CSGT, Công an TP. HCM cho biết: “Hiện nay sau khi ghi hình, đi xử phạt các phương tiện vi phạm về, chúng tôi phải bố trí cán bộ làm đầy đủ các quy trình thủ tục để hoàn thiện các bước để xử lý được 1 vụ vi phạm qua hình ảnh là toàn bộ cơ quan chúng tôi làm hết chứ không chờ gửi về trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông của Phòng CSGT Công an Thành phố như trước nữa”.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho biết, việc xử phạt qua hình ảnh tại Cục CSGT chỉ đạt khoảng 70%. Khó khăn lớn nhất trong việc xử phạt qua hình ảnh là phương tiện không chính chủ. Từ thực tế này, Cục CSGT đang kiến nghị sửa đổi quy định về đăng ký xe.

Theo đó, Cục CSGT cũng kiến nghị bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ: “Người đăng lý xe đang đăng ký sở hữu với cơ quan công an thì đang phải chịu trách nhiệm với cơ quan công an về cái xe đó. Thì lần này, chúng ta sẽ bổ sung thêm cái là khi anh bán, anh đăng ký anh phải trả lại giấy chứng nhận, vì giấy chứng nhận đó đăng ký tên anh. Ở đây khi đã thiết kế cái này thì xử phạt thêm cả người chủ xe đăng ký sở hữu mà không làm thủ tục nữa chứ không phải chỉ nguyên người mua”.

Phat nguoi vi pham giao thong qua camera: Chi can nam nguoi “co toc” - Hinh anh 2
Liệu "phạt nguội" có tác dụng nâng cao ý thức người tham gia giao thông?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tảiô tô Việt Nam cho rằng, cần sửa đổi và quy định trong trường hợp người chủ doanh nghiệp điều động người làm công cho mình tham gia giao thông, cho mượn hoặc bán xe không sang tên đổi chủ thì người đứng tên chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm nộp phạt: "Trong trường hợp anh bán mà anh chưa sang tên đổi chủ thì anh vẫn phải có trách nhiệm nộp phạt và anh phải chịu trách nhiệm trong mối quan hệ với người mà anh đã bán xe”.

Ở góc độ khác, luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Danh Tài (Hà Nội) cho rằng, trước mắt, khi chưa thể xử phạt chủ sở hữu phương tiện trên giấy đăng ký xe thì cần nâng cao mức phạt đối với trường hợp không sang tên đổi chủ. Bởi với mức phạt tự 100-200 nghìn đồng như hiện nay là quá thấp khi họ không sang tên đổi chủ: “Các cơ quan ban hành pháp luật cần nghiên cứu tăng mức xử phạt hành chính đối với thủ tục không sang tên chuyển chủ để đảm bảo mục đích răn đe, phòng ngừa. Vấn đề này phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ thì việc xử phạt nó mới chuẩn được đối với trực tiếp người vi phạm”.

Tuy vậy, dưới góc độ người tham gia giao thông, khi pháp luật hiện hành chưa cho quy định, khó có thể xử phạt chủ phương tiện trên giấy đăng ký:

“Tôi có phải là người điều khiển xe đấy đâu, tôi có còn là chủ xe đấy đâu mà phạt tôi như thế thì tôi thấy không chấp nhận được”.

“Cái đấy sẽ làm cho sự việc rất phức tạp, chẳng hạn người ta lại phải trình báo, chứng minh tất cả mọi thứ cho cơ quan công an không phải là của người ta từ ngày đấy ngày đấy”.

Ở góc độ nào đó, người đứng tên sở hữu phương tiện trên giấy đăng ký đang sở hữu một phương tiện tiềm ẩn nguy hiểm, nếu là ô tô. Do vậy, trách nhiệm liên đới của người sở hữu phương tiện là khó tránh khỏi.

Áp dụng phạt nguội giao thông từ cách đây 4 năm, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào giám sát và xử lý vi phạm giao thông.

Tuy nhiên đến nay, tỉ lệ vi phạm bị xử phạt qua camera vẫn rất thấp trong tổng số vi phạm bị xử lý. Một nửa số thông báo vi phạm được gửi đến chủ phương tiện không có hồi âm, chỉ vì chủ xe và người vi phạm không phải là một. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác.

Để khắc phục bất cập này, quy định phải thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ đã được truyền thông mạnh mẽ thời gia qua, lực lượng chức năng cũng thường xuyên nhắc nhở. Tuy nhiên với mức phạt vài trăm nghìn đồng, chưa đủ để cả chủ mới và chủ cũ của chiếc xe thấy rằng việc sang tên là cấp thiết.

Xe không chính chủ dẫn tới khó lòng phạt nguội qua camera, mà không phạt được/hoặc phạt được rất ít qua camera thì lại không đẩy lùi được vi phạm giao thông, dẫn đến TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Vòng luẩn quẩn đó diễn ra suốt nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, đồng thời gây lãng phí lớn khi hệ thống camera được trang bị hiện đại mà chưa thể phát huy tác dụng.

Sự lãng phí  này có thể nhân lên gấp nhiều lần nếu tới đây, thực hiện Chỉ thị 12 của Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT giai đoạn 2019-2021, hàng loạt hệ thống camera sẽ được trang bị dày đặc trên các tuyến đường, địa bàn giao thông trọng điểmđể mở rộng tầm giám sát vi phạm, mà những bất cập trong xử phạt nguội chưa được tháo gỡ.

Và ngay cả khi cơ sở dữ liệu giao thông được chia sẻ liên thông giữa các địa phương, bộ ngành, vi phạm có thể tra cứu được trên cả phần mềm của Cục CSGT - Bộ công an lẫn cơ quan đăng kiểm, thì vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề.

Mấu chốt của những bất cập này, chính là lựa chọn giữa việc phạt ai, chủ xe, hay người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm?

Thực tế, các quốc gia làm tốt công tác giám sát vi phạm giao thông bằng công nghệ đều sử dụng hiệu quả hệ thống camera, đều truy trách nhiệm đầu tiên đối với chủ phương tiện nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến chiếc xe.

Do đó, chủ xe không thể trì hoãn việc sang tên đổi chủ. Và cũng không có chuyện lực lượng chức năng chạy lòng vòng đi truy tìm người vi phạm, một khi phiếu phạt đã được dán, tài khoản ngân hàng của chủ xe sẽ tự động bị trừ nếu vi phạm thuần túy phạt hành chính bằng tiền, còn nếu vi phạm nghiêm trọng hơn mà không ra trình diện cơ quan công an, thì chiếc xe sẵn sàng bị chặn lại, không thể lưu hành.

Chỉ khi nắm được người “có tóc”, thì những sự lúng túng và luẩn quẩn trong xử phạt nguội mới có thể chấm dứt, hệ thống camera mới có thể góp phần hiệu quả vào giám sát và đẩy lùi vi phạm giao thông.  

VOVGiaothong

Tin liên quan