Phát triển hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội: Tối ưu từ giải pháp quy hoạch tích hợp

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong bối cảnh quỹ đất các quận trung tâm Hà Nội ngày càng cạn kiệt, việc tập trung vào xây dựng, phát triển dự án hạ tầng giao thông sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho vùng ven TP và đem lại nhiều tiềm năng phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại.

Phat trien ha tang giao thong do thi Ha Noi: Toi uu tu giai phap quy hoach tich hop - Hinh anh 1
Xe buýt sử dụng năng lượng sạch chạy trên các tuyến ưu tiên, trên cao… có thể chuyển thành đường sắt khi tích tụ đủ lượng khách và nguồn vốn đầu tư (ví dụ tại Vũ Hán, Trung Quốc). 

Hạ tầng tạo sức bật cho các khu đô thị hiện đại

 Dẫn chứng rõ nhất cho thành công này cần kể đến dự án mở rộng và làm đường trên cao tuyến đường Vành đai 2 nối cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, trị giá 9.400 tỷ đồng (trong đó 4.196 tỷ cho GPMB) do Tập đoàn Vingroup khởi công từ tháng 4/2018. Mặc dù lỗi hẹn hoàn thành vào năm 2020 nhưng công trình vẫn đang hối hả thực hiện để đưa vào khai thác trong năm 2021. Khi hoàn thành tuyến đường dài 5,1km này không chỉ cải thiện giao thông đô thị, mà còn tạo thuận lợi cho việc di chuyển của cư dân hai tổ hợp bất động sản do Vingroup đầu tư (Times City và Royal City).

Bên cạnh đó, cầu Vĩnh Tuy mở rộng được khởi công mới đây khi đưa vào sử dụng sẽ nối thẳng các tuyến đường từ nội thành sang bên kia sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP, đồng thời giúp khu đô thị mới hiện đại như Vinhome Reverside, Vinhome Ocean Park được dễ dàng kết nối với trung tâm TP. Như vậy, chỉ cần hoàn thiện một cây cầu, đoạn đường ngắn với chi phí vài chục triệu USD đã mang lại cơ hội gia tăng giá trị hàng tỷ USD cho cả chuỗi tổ hợp bất động sản quy mô, tạo thuận lợi cho việc di chuyển và thu hút hàng triệu người từ khu vực trung tâm ra các vùng ven đô...

Hay như các dự án hợp thành khép kín gần 26km đường Vành đai 3 nối cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long. Dự án đã triệt thoái hàng loạt các xung đột nghiêm trọng giữa đường vành đai với 6 đại lộ xuyên tâm TP, cải thiện đáng kể ách tắc giao thông đô thị cũng như gia tăng giá trị hàng trăm, hàng ngàn dự án bất động sản thương mại hai bên đường. Đồng thời, dự án cũng phục hồi hoạt động cầu Thăng Long hư hỏng lay lắt cả chục năm. Tổng đầu tư các dự án hợp thành lên đến hàng tỷ USD, hoàn toàn bằng ngân sách và vay ODA.

Những dự án cần thực hiện quy hoạch tích hợp

 Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km để kết nối với các đô thị vệ tinh và vùng ven. Hà Nội đã đề xuất vay các nguồn 40 tỷ USD để thực hiện những tuyến đường sắt đô thị này. Trước mắt tập trung đưa vào khai thác 20km đường sắt trên cao và đẩy mạnh tiến độ thi công 4km + 4 ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tuy nhiên, có một điểm nghẽn tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cho thấy, ngay cả khi phân đoạn ngầm phức tạp hoàn thành thì cũng không thể đi vào hoạt động do không có chỗ quay đầu và tập kết 5 đoàn tầu cuối tuyến.

Đây là yêu cầu tối thiểu của vận hành đường sắt đô thị, thực hiện quy trình bảo dưỡng bắt buộc hàng ngày cho 2 đoàn tàu cùng xuất phát từ 2 ga đầu cuối mỗi ngày. Do đó, cần nhiều giải pháp tích hợp đồng bộ đa ngành nhằm khai thác hiệu quả 20km đường sắt trên cao này với chi phí thấp và thời gian đưa vào tích hợp đồng bộ trong thời gian 1 - 2 năm tới.

Việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần được tính toán chặt chẽ để đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí. Năm 2018 trong tài liệu hướng dẫn phát triển giao thông đô thị, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo các TP, quốc gia đang phát triển có nguồn lực tài chính hạn chế cần tỉnh táo lựa chọn giải pháp tối ưu phù hợp, thoát khỏi cạm bẫy nhập khẩu dự án tốn kém và phụ thuộc vào chủ nợ. Vì vậy, lựa chọn quy hoạch hệ thống giao thông đô thị tối ưu cần dựa vào phân tích năng lực và tác động xã hội.

Cụ thể, tính khả dụng (sẵn có) trên cơ sở hiện trạng kinh tế - xã hội, phù hợp với trình độ phát triển công, kỹ nghệ thực tiễn. Ví dụ như Việt Nam đã sản xuất ô tô, có khả năng phát triển động cơ điện, hybrid hay pin sạc nhanh, trong khi công nghệ tàu chưa có. Việt Nam có khả năng xây dựng đường trên cao giá rẻ, an toàn hay thi công ngầm đào mở thay vì đào ngầm chưa phổ biến.

Bên cạnh đó, cần phân tích khả năng tiếp cận dễ dàng, thuận lợi cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chiếm số đông như học sinh, sinh viên, người lao động dịch vụ thương mại... Cùng với đó, tính đến khả năng chi trả thấp nhất để mọi người có thể di chuyển khi nào và ở đâu họ muốn. Tự hệ thống cân đối tài chính mới thu hút khối tư nhân đầu tư và phát triển. Cuối cùng là tính đến chất lượng của cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và dịch vụ cho người dùng, bao gồm sự thoải mái, an toàn, an ninh, độ tin cậy.

Năm 2021, hy vọng hơn 20km đường sắt đô thị trên cao được đưa vào sử dụng (12km Cát Linh - Hà Đông và 8,5km Nhổn - Đại học Giao thông vận tải) sẽ tạo ra bộ mặt giao thông mới cho Thủ đô. Khi đi vào hoạt động, các tuyến đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ là giải pháp xanh góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông, ô nhiễm đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực phía Tây Hà Nội. Đồng thời có được bài học về quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng của TP thông qua các giải pháp giao thông tích hợp, bền vững để cải thiện hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường đô thị.

Sự tích hợp không gian đô thị và hạ tầng giao thông cần được xem xét ngay từ khi lên ý tưởng, lập quy hoạch. Thực hiện được điều này sẽ tối ưu hóa sự di chuyển với sự kết hợp các loại hình vận chuyển Metro tích hợp với BRT, tuyến buýt điện và buýt thường. Không chỉ giao thông thuận tiện, khi tích hợp sẽ có giá vé thấp nhất trên cơ sở các phương tiện giao thông công cộng hiện có.

KTS Trần Huy Ánh

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h