Nhan nhản vi phạm
Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi cấp Giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường không phải câu chuyện mới. Bởi từ nhiều năm qua, tại hầu hết tuyến đường trên địa bàn TP, đặc biệt ở các trường THPT, thậm chí cả THCS, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những học sinh khoác trên mình chiếc áo đồng phục, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba… phóng xe máy bạt mạng trên phố.
Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm luật giao thông.
|
Ngày 22/9, cùng tổ công tác của Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên đường Thụy Khuê mới càng rõ hơn vấn đề. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong vòng gần nửa giờ, lực lượng chức năng đã tiến hành dừng xe, kiểm tra, xử lý gần 10 trường hợp vi phạm. Con số trên có lẽ sẽ nhiều hơn nếu một số trường hợp vi phạm không quay đầu liều mình bỏ chạy khi thấy các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, xử lý.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài lỗi không có Giấy phép lái xe, hầu hết các trường hợp khi bị dừng xe kiểm tra, xử lý không đội mũ bảo hiểm. Điều đáng nói, trên xe của các em có treo mũ bảo hiểm nhưng chỉ để "làm cảnh". Đối với những trường hợp trên, ngoài việc lập biên bản xử lý theo quy định, lực lượng chức năng sẽ lập danh sách gửi về nơi các em đang theo học để nhà trường phối hợp với phụ huynh tiếp tục có biện pháp giáo dục, nhắc nhở…
Nguy hiểm thường trực
Như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp năm học mới bắt đầu, lực lượng chức năng lại tổ chức các đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với học sinh. Mục đích là tạo tính răn đe và tuyên truyền nhắc nhở việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trong lứa tuổi học trò. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ bản thân người làm cha, làm mẹ. Lý giải về hành vi giao xe máy cho con sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe, hầu hết phụ huynh đều đưa ra lý do chung như: Nhà xa, con phải đi học thêm nhiều, đi xe đạp sợ con vất vả, con đi máy để chủ động hơn trong việc đi lại, học tập...
Đại úy Nguyễn Duy Linh – Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thẳng thắn, nhiều bậc phụ huynh cho rằng giao xe máy cho con là thương con nhưng thực chất đây lại là hành động hại con. Bởi không phải ngẫu nhiên mà pháp luật quy định độ tuổi được phép điều khiển xe máy, học thi cấp Giấy phép lái xe… Khi xây dựng luật, các chuyên gia đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng về thể chất, kỹ năng xử lý tình huống của lứa tuổi học sinh. Do đó, nếu giao xe máy cho các em chưa đủ tuổi, chưa được đào tạo kỹ năng, phổ biến kiến thức về luật giao thông sẽ rất nguy hiểm. “Ở độ tuổi này, các em chưa thành thạo kỹ năng xử lý những tình huống phát sinh nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và người tham gia giao thông khác” – Đại úy Nguyễn Duy Linh nhận định.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 90% số vụ TNGT ở trẻ em rơi vào nhóm tuổi từ từ 16 - 18. Điều đáng nói, xu hướng trên đang ngày một gia tăng.
|