Quản lý phương tiện đưa đón học sinh: Việc cần làm ngay

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, trước tình hình phương tiện đưa đón học sinh ngày càng phát triển, Sở đã yêu cầu tất cả các trường, cơ sở giáo dục thống kê xe đưa đón học sinh của đơn vị mình như số lượng học sinh vận chuyển trong ngày, tên đơn vị, cá nhân vận chuyển, hình thức hợp đồng… Trên cơ sở số liệu đã tập hợp, trong tháng 10/2020, Sở sẽ có văn bản báo cáo UBND TP, đề nghị cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ số xe ô tô đang làm dịch vụ đưa đón học sinh, xác định và thông báo cụ thể danh sách các phương tiện đủ hoặc không đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm soát các xe đưa đón học sinh và đã xử phạt những xe không đủ điều kiện theo quy định.
Có thể nói việc quản lý hoạt động đưa đón học sinh bằng xe đang được tăng cường với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Tuy nhiên, trong khi siết chặt việc quản lý số xe làm dịch vụ đưa đón học sinh, đặc biệt chú ý đến mức độ an toàn, trách nhiệm của lái xe, người giám sát…, các cơ quan chức năng như Sở GD&ĐT, Sở GT-VT dường như đã bỏ qua một vấn đề không kém quan trọng. Đó là tình trạng, phương thức tham gia của các phương tiện đưa đón học sinh vào quá trình giao thông trên đường phố, đặc biệt ở khu vực nội thành.
Hà Nội hiện có hơn 40.400 học sinh đến trường bằng dịch vụ ô tô đưa đón với tổng số gần 2.300 phương tiện. Có thể nói đây là số lượng phương tiện tham gia giao thông không hề nhỏ. Đã vậy, hầu hết số xe đều trên vận hành trong một khung giờ nhất định, khoảng 6 - 7 giờ hằng sáng và 17 - 18 giờ mỗi buổi chiều. Đa phần là loại xe 16 - 24 chỗ, một số xe 45 chỗ. Xe đưa đón học sinh thường tập trung ở các khu dân cư, nhiều nhất ở các khu nhà cao tầng, nơi có nhiều trẻ em theo học các trường ngoài công lập, những đơn vị thường sử dụng loại hình dịch vụ này.
 Với một lượng xe như vậy, tập trung trong khung giờ nhất định, ở những địa bàn nhất định, dễ hình dung ra hoạt động của loại xe này tác động thế nào đến tình trạng giao thông mà nó tham gia. Chỉ lấy ví dụ ở một khu chung cư cao tầng với quy mô không lớn ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Đây là khu dân cư có 3 tòa nhà cao tầng cùng một số nhà liền kề, chừng 600 hộ dân. Dù vậy, mỗi buổi sáng, khoảng 6 giờ 30 cũng có đến gần chục xe đưa đón học sinh ra vào con ngõ chỉ rộng chừng 6 - 7m dẫn vào khu.
Đáng nói là những xe này, trước khi đi vào đây đã lần lượt đỗ tại nhiều điểm để đón học sinh, có điểm chỉ đón 1 - 2 cháu trên phố Hoàng Văn Thái cùng các phố lân cận, hầu hết nhỏ hẹp nhưng có mật độ giao thông khá cao. Đã vậy, có những lái xe còn đỗ xe lấn cả làn đường, có những lúc gây nên tình trạng ùn tắc. Đây cũng là hiện tượng có thể thấy ở nhiều nơi trong thành phố, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng.
Rõ ràng, thói quen tiện đâu đỗ đấy của một số không ít xe đưa đón học sinh đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình giao thông chung. Đó là chưa kể đến việc những học sinh được đưa đón một cách tùy tiện như vậy liệu có dần hình thành một thói quen xấu là sự bất chấp luật lệ hay không?
Vẫn biết là ai cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em mình, học sinh của mình đến trường một cách thuận lợi, an toàn. Đây cũng còn là một yếu tố mang tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, không thể vì việc đó mà chấp nhận sự tùy tiện trong hoạt động này.
 Một số nhà trường, cơ sở giáo dục ở Hà Nội đã quy định điểm đỗ để đưa đón học sinh ở mỗi khu vực, không để xe đưa đón học sinh dừng đỗ tùy tiện. Nên chăng, ngành GD&ĐTvà GT-VT phối hợp để có quy định chung trong việc hình thành các điểm đưa đón học sinh, bảo đảm để các em được đưa đón thuận lợi, an toàn mà không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông chung. Cụ thể là ở mỗi khu vực dân cư, nên lựa chọn một địa điểm phù hợp làm bến đón học sinh cho xe của tất cả các trường, theo tiêu chí các cháu không phải đi bộ quá 500m từ nhà để đến điểm đón.
 Con số 2.300 xe đưa đón học sinh hiện chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong số hàng triệu phương tiện đang tham gia giao thông ở Hà Nội. Song với đà phát triển như hiện nay, lượng xe này chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa. Chính vì vậy, quản lý lộ trình, cách dừng đỗ của loại xe này là một việc cần làm ngay từ bây giờ. Làm tốt việc này vừa hạn chế ùn tắc giao thông, vừa góp phần hình thành cho trẻ một thói quen văn minh, lành mạnh trong tham gia giao thông.

Lê Quân

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h