Quảng Ngãi: cảng biển phát triển chưa đáp ứng nhu cầu

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Quảng Ngãi tuy có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng lượng hàng hóa nhập, xuất qua cảng không nhiều, dẫn đến vận tải biển, kinh tế hàng hải chưa thể phát triển nhanh.

Năng lực còn nhiều hạn chế

Quảng Ngãi có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: tuyến quốc lộ 1; hệ thống đường sắt Bắc- Nam; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; quốc lộ 24 nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào.

Quảng Ngãi còn nằm cạnh Cảng hàng không Chu Lai và chỉ cách Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng 120 km về phía Bắc. Cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Quang Ngai: cang bien phat trien chua dap ung nhu cau - Hinh anh 1
Cảng biển nước sâu Dung Quất là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Trong đó, bến cảng Dung Quất với kỳ vọng sẽ là cảng biển có quy mô hiện đại của khu vực với các bến cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.

Theo Quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cảng Dung Quất có 14 bến cảng chính được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, nhằm trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại, đáp ứng cả sà lan loại lớn và tàu container.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư và đi vào hoạt động, Dung Quất hiện có 8 bến cảng (3 bến cảng tổng hợp gồm: Hào Hưng, Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi (PTSC) và Gemadept; 5 bến cảng chuyên dùng gồm: 1 cảng của Doosan, 2 cảng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bến cảng của nhà máy đóng tàu và cảng Hòa Phát- Dung Quất).

Quang Ngai: cang bien phat trien chua dap ung nhu cau - Hinh anh 2
Lai dắt tàu vào cảng Hòa Phát- Dung Quất.

Hiện chỉ có cảng Hòa Phát - Dung Quất tiếp nhận được tàu có công suất từ 150 - 200 nghìn tấn, còn lại các cảng khác chỉ tiếp nhận tàu có công suất từ 50 - 70 nghìn tấn. Điều này khiến các doanh nghiệp phải sử dụng các cảng biển ngoài tỉnh, gây khó khăn và tăng chi phí vận chuyển.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phong, tuy có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng lượng hàng hóa nhập, xuất qua cảng không nhiều, dẫn đến vận tải biển, kinh tế hàng hải chưa thể phát triển nhanh.

Hệ thống logistics của Quảng Ngãi chỉ đảm nhiệm được một số khâu cơ bản, chưa đóng vai trò là trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa hiệu quả. Hạ tầng luồng hàng hải còn hạn chế, luồng tàu hẹp và độ sâu chưa đáp ứng, yêu cầu thường xuyên nạo vét. Trọng tải tàu đi/đến cảng ngày càng lớn, nhưng chuẩn tắc luồng tàu chưa phù hợp với quy mô cầu bến, dẫn đến việc các chủ tàu và chủ hàng ít lựa chọn Dung Quất làm điểm đến.

Những tháng cuối năm, vùng ven biển, khu vực vịnh Dung Quất phải thường xuyên đón nhận những đợt bão lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị gây cản trở cho việc đón nhận và khai thác tàu thuyền trong khoảng thời gian này.

Tìm giải pháp để phát triển

Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi cho rằng, cần phải tăng cường đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Dung Quất để biến nơi đây thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Việc phát triển Trung tâm logistics tại khu vực cảng biển Dung Quất cũng là một ưu tiên hàng đầu.

Quang Ngai: cang bien phat trien chua dap ung nhu cau - Hinh anh 3
Nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với đường Trì Bình - cảng Dung Quất vẫn dang dở sau nhiều năm.

Quảng Ngãi cần hoàn thành các dự án giao thông quan trọng để đảm bảo kết nối KKT Dung Quất với các tuyến giao thông chính. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp, đô thị và giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường nhằm thu hút nhà đầu tư.

Một trong những giải pháp chiến lược là xây dựng chuỗi đô thị ven biển và đảo với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh cần được hoàn thiện để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Công thương sớm triển khai hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất, cũng như hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Điện Dung Quất I, III và kêu gọi đầu tư các dự án điện khí khác.

Đối với Bộ GTVT, tỉnh đề nghị chỉ đạo hoàn thành nút giao Dung Quất giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Trì Bình - cảng Dung Quất, nhằm kết nối và khai thác hiệu quả tuyến đường này.

Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng tuyến nhánh đường sắt Bắc - Nam kết nối với cảng biển Dung Quất, tạo thành đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt và đường biển.

Quang Ngai: cang bien phat trien chua dap ung nhu cau - Hinh anh 4
Quảng Ngãi đang tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung kêu gọi đầu tư để xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển.

Quảng Ngãi đang tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển và logistics. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến hàng hóa xuất khẩu nhằm phát huy hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất và hình thành tuyến vận tải container đến các cảng trong khu vực và quốc tế.

Các doanh nghiệp khai thác cảng cần đầu tư thêm vào trang thiết bị hiện đại và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên môn để cải thiện hiệu quả khai thác và vận hành cảng. Điều này sẽ góp phần nâng cao vị thế của cảng Dung Quất trong khu vực và quốc gia.

Hà Phương

Tin liên quan