Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 31/2019 thay thế Thông tư số 91/2015 VT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15-10 tới. Quy định mới về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, thông tư này quy định: Các loại xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa không quá 40km/h. Nội dung này cũng khiến nhiều người sử dụng loại phương tiện này đặt ra băn khoăn: đầu tư hạ tầng giao thông là để tạo điều kiện cho các loại phương tiện tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian đi lại của người dân.
Việc kéo giảm tốc độ liệu có đi ngược với xu hướng này? Kết quả phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, phần lớn vụ xảy ra do lái xe vi phạm các nguyên tắc cơ bản như đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng thiếu quan sát, uống rượu bia, vượt sai quy định... chứ không nằm ở việc di chuyển trong tốc độ cho phép. Vậy giảm tốc độ đối với xe máy liệu đã thuyết phục?
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, các nghiên cứu mà chuyên gia này tìm hiểu cho thấy rằng, càng có thêm những quy định để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông thì càng giảm tai nạn xảy ra, và tốc độ càng giảm thì xác suất xảy ra tai nạn giao thông càng thấp.
Ông Nguyễn Xuân Thủy nêu ý kiến: Tốc độ càng cao thì xác suất xảy ra tai nạn càng cao, độ sát thương càng cao. Nên giảm tốc độ là cần thiết. Thứ hai, nếu chúng ta bảo rằng nếu xử phạt nhiều thì nhiều tiêu cực phát sinh, nó tùy thuộc vào ý thức người thực thi pháp luật. Còn hạn chế tốc độ tôi cho là cần thiết vì khi xảy ra tình huống phức tạp thì sẽ không xử lý được.
|
Nhiều người dân băn khoăn giảm tốc độ đối với xe máy liệu có giảm tỉ lệ TNGT? |
Anh Vũ Văn Hiệp, một người sử dụng xe máy cho biết, dù sẽ phải đi chậm đôi chút nhưng để đảm bảo an toàn thì anh hoàn toàn đồng tình với quy định. Tuy nhiên, không chỉ giảm tốc độ mà quan trọng là cần phải có biện pháp giám sát và xử phạt chặt chẽ. Chỉ có như vậy mới có thể giảm được vi phạm về tốc độ và tai nạn giao thông:
Mình hoàn toàn ủng hộ quy định, song bên cạnh đó phải có biện pháp giám sát, chứ không thì tin rằng tai nạn giao thông vẫn sẽ không giảm, anh Hiệp nói
Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, thời gian qua đã có nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, xây mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Với những tuyến đường có điều kiện tốt, kiểm soát giao cắt xung đột tốt có thể được khai thác vận hành ở tốc độ cao hơn, việc nâng tốc độ giới hạn là phù hợp, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường mà vẫn bảo đảm an toàn giao thông.
Tuy nhiên, thực trạng giao thông vận tải ở Việt Nam rất đa dạng, ngay cùng một loại đường nhưng mức độ an toàn có thể khác nhau, bởi vậy nếu áp dụng nguyên tắc tốc độ giới hạn một cách đồng nhất, có thể tạo ra những vấn đề về tai nạn giao thông. Quy định tốc độ thấp trong khi có thể đi an toàn ở tốc độ cao hơn sẽ dẫn tới tình trạng có rất nhiều xe vi phạm. Ngoài ra, không phải chỗ nào tốc độ thấp cũng an toàn. Do vậy, Thông tư lần này đã điều chỉnh phù hợp hơn Thông tư cũ khi quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo đối với các trường hợp tùy thuộc vào điều kiện của từng tuyến đường.
Chẳng hạn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt hơn và sẽ mang lại sự thuận lợi cho người tham gia giao thông: "Thông tư lần này cho phép cơ quan có thẩm quyền tự quyết định đặt biển báo linh hoạt hơn so với trước."
Ngoài ra, TS Trần Hữu Minh cũng cho rằng, phương án tổ chức giao thông nên rõ ràng, thay vì việc đặt biển thì có thể sơn kẻ vận tốc ngay trên mặt đường để người tham gia giao thông không bỏ sót thông tin. Đây là kinh nghiệm đơn giản, hiệu quả được nhiều quốc gia thực hiện thành công và hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam.