Tranh luận không dứt
Trao đổi với PV Giaothonghanoi, chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Đỗ Cao Phan cho rằng nếu xét về giá cước, chất lượng phục vụ thì các doanh nghiệp (DN) đầu tư xe Limousine đã làm khá tốt, người dân cũng đang thích ứng dần với loại hình này và ưu tiên lựa chọn.
“Bản chất xe Limousine 9 chỗ là phương tiện được hoán cải từ xe 16 chỗ. Do đó, không gian dành cho hành khách lớn hơn dù chỉ chở số lượng khách bằng khoảng 60% thiết kế nên tất nhiên người dùng có trải nghiệm thoải mái hơn hẳn” - Thạc sỹ Đỗ Cao Phan nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia giao thông cũng cho rằng, lượng khí thải của xe hoán cải tương đương khối lượng xe 16 chỗ. Diện tích chiếm đường cũng lớn hơn các loại xe 9 chỗ thông thường gần một nửa, nhưng chỉ phục vụ số hành khách bằng 60% công suất. Dẫn đến cùng một lượng khí thải ra, một tỷ lệ chiếm dụng lòng đường, mà hiệu quả vận chuyển lại ít hơn hẳn, khiến lượng xe phục vụ hành khách tất yếu phải tăng lên. Thêm xe là thêm khí thải, thêm phương tiện chiếm đường, làm gia tăng đáng kể áp lực giao thông. Do vậy các nhà quản lý nên nghiêm túc xem xét liệu có cần khống chế số lượng phù hiệu đăng ký xe hợp đồng đối với từng DN hay không.
Nhắc đến xe Limousine, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói: “Họ hoán cải để làm gì? Để được phép ra vào tuyến đường cấm xe trên 9 chỗ, họ phục vụ cho đối tượng là khách hợp đồng, mở văn phòng tại các nơi không cần phải xin phép. Đây là hoạt động trá hình, bản chất họ là xe tuyến cố định chứ không phải xe theo hợp đồng”.
Ông Nguyễn Công Hùng phân tích, xe hợp đồng nghĩa là điểm đón, trả khách được ghi theo từng chuyến cụ thể và không lặp đi lặp lại ở một điểm, ở nhiều ngày. Hiện nay Luật Giao thông đường bộ không có loại hình xe Limousine. “Phải quản lý rạch ròi đối với xe Limousine, điều mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được”, ông Nguyễn Công Hùng nói thêm.
|
Xe Limousine xuất hiện ngày càng nhiều ở các thành phố. |
Trả lời Giaothonghanoi về định kiến của dư luận với loại hình xe Limousine, đại diện công ty X.E Việt Nam khẳng định những quan điểm cho rằng hoạt động của Limousine hiện nay là tuyến cố định, không phải là xe hợp đồng là không đúng.
Thực tế, cơ quan quản lý cấp phù hiệu kinh doanh xe hợp đồng, song việc quản lý điều hành kinh doanh vận tải của các cá nhân, tổ chức và DN là khác nhau. Một số DN có hợp đồng cố định giờ chạy, điểm xuất phát, lộ trình dẫn đến hiểu lầm xe Limousine lách luật và là tuyến cố định.
“Tôi cho rằng bản thân xe Limousine chỉ là khái niệm tự phát về một loại phương tiện vận tải sử dụng kinh doanh vận tải trong nhiều loại hình như xe hợp đồng, xe du lịch kể cả tuyến cố định. Hai loại hình xe Limousine và xe tuyến cố định là không giống nhau”, vị đại diện nói.
Đại diện hãng X.E Việt Nam cho biết thêm, hầu hết các đơn vị kinh doanh xe Limousine vẫn hoạt động dựa trên nhu cầu của khách hàng để cung cấp dịch vụ vận chuyển, không cố định thời gian và lộ trình. Có thể có trường hợp nhu cầu thuê của nhiều khách hàng tập trung một khu vực hoặc dồn nhiều vào một khung thời gian trong ngày hoặc trong tuần, đó là nhu cầu và là thực tế kinh doanh.
Không nên tăng áp lực cho giao thông thành phố
Tiếp tục câu chuyện về quản lý, ông Nguyễn Công Hùng chia sẻ: “Tôi đã đi tham quan Nhật Bản, bên trong thành phố Tokyo, Osaka có rất nhiều bến xe nhỏ tương tự bến xe buýt. Tokyo ùn tắc còn hơn, nhưng trong nội đô đều có bến xe. Mỗi trạm đỗ được 5-6 xe, có cả cà phê, siêu thị. Từ đó người ta phân luồng được hành khách”.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội cho rằng các bến xe ở nội đô cũng không nhất thiết phải quá lớn, đồng thời việc phát triển loại hình bến mini này sẽ tạo điều kiện cho xe Limousine. Nếu nhà nước cho triển khai mở điểm dừng, bến xe nội đô, DN phải tìm cách xây dựng, trong đó bổ sung các xe được phép trung chuyển, tuân thủ đưa đón hành khách từ nhà ra bến xe.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng lại cho rằng nếu phát triển hàng loạt bến xe nhỏ sẽ tạo xung đột với xe khách tuyến cố định. Đồng thời số lượng xe sẽ tăng cao, đương nhiên gây ùn tắc giao thông.
Trong khi đó đường phố Hà Nội hiện đã quá chật hẹp, cơ sở hạ tầng không cơi nới được, lại không có các chuỗi liên kết giao thông đủ tốt. Nên điều cần làm là hạn chế số lượng xe Limousine chứ không phải tạo điều kiện mở rộng cho loại hình kinh doanh vận tải này.
Về vấn đề này, đại diện X.E Việt Nam bày tỏ quan điểm không ủng hộ vì cho rằng sẽ gây áp lực không nhỏ lên trật tự đô thị và nguy cơ mất an toàn, mỹ quan chung của khu vực cũng như cho rằng xe Limousine hiện vẫn được quy hoạch là xe hợp đồng.
Vị đại diện nói thêm, “Việc đăng ký sẽ dồn vào những điểm tập trung trong nội thành, lúc đó sẽ tạo ra các điểm nóng. Bởi hầu hết tại các thành phố, điều kiện giao thông đô thị là rất phức tạp nếu không muốn nói là quá tải nhất là vào các giờ cao điểm, việc này là không nên”.