Rắc rối thỏa thuận miệng sau tai nạn giao thông

ĐỨC VIỆT
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thực tế sau khi nhiều vụ TNGT xảy ra, các bên chỉ thỏa thuận miệng, tự ý đưa phương tiện rời khỏi hiện trường, không trình báo cảnh sát. Tuy nhiên về sau, khi không thống nhất được bồi thường như cam kết, hai bên sẽ khó khăn trong việc tìm chứng cứ, bảo vệ quyền lợi của mình.

Rac roi thoa thuan mieng sau tai nan giao thong - Hinh anh 1
Lực lượng công an TP Hồ Chí Minh khám nghiệm hiện trường một vụ TNGT.
Ảnh: Mai Huyên 

Đủ kiểu rắc rối phát sinh

Gần ba năm sau vụ tai nạn, bà C.N.H (trú tại xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) tiếp tục gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến cơ quan chức năng. Bà H. là nạn nhân bị thương tích nặng nhất trong vụ TNGT xảy ra tại phố Trích Sài, quận Tây Hồ (Hà Nội) vào ngày 18/12/2018.
Sau vụ tai nạn, tài xế ô tô đã bồi thường cho bà H. 150 triệu đồng. Tuy nhiên, bà H. cho rằng, sau hơn 2 năm điều trị, chi phí lên tới gần 2 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, chị V.T.B (trú huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) bị một ô tô đâm trúng khi đi làm đêm về. Chị H. được đưa vào một phòng khám gần đó, bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương phần mềm. Tài xế ô tô đưa chị H. 5 triệu đồng bồi thường rồi rời đi.
Sau đó, chị H. cảm thấy mệt mỏi, hay đau vùng mặt nên tới bệnh viện khám sức khỏe tổng quát. Kết quả, bác sĩ kết luận chị H. bị vẹo vách ngăn mũi, chấn thương hàm mặt trái. Chị H. phải tiến hành phẫu thuật để chỉnh hình vách ngăn, tạo hình xương hàm trên, chi phí hết hơn 30 triệu đồng.
“Lẽ ra lúc đó, tôi phải trình báo cơ quan chức năng về vụ tai nạn này. Giờ có tìm thấy lái xe thì cũng chả có căn cứ gì về vụ tai nạn cả”, chị H. cho hay.
Một trường hợp khác, anh T.V.Đ (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, rất ân hận vì đã không trình báo cơ quan chức năng sau khi ô tô tải chở hàng do anh điều khiển xảy ra tai nạn với một cháu bé đi xe đạp.
Hôm đó, xe anh đang đi đúng làn, đúng tốc độ thì một cháu học sinh đi xe đạp đột ngột rẽ qua đầu xe, khiến anh phanh không kịp. Cháu bé ngã xuống đường, bị gãy tay. Anh Đ. đã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình cháu yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng.
Nghĩ thương cháu nhỏ, anh Đ. đã về nhà vay mượn 10 triệu đồng đưa cho gia đình cháu. Nhưng 5 - 6 tháng sau, khi cháu đã đi học bình thường, gia đình cứ hàng tháng lại điện yêu cầu anh Đ. đưa tiền bồi dưỡng, tiền đi khám định kỳ cho cháu. Tổng cộng đến nay, anh Đ. đã đưa cho gia đình cháu bé 30 triệu đồng.
“Thú thực là lái xe thuê, khi tai nạn xảy ra tôi cũng sợ trình báo vụ việc ra cơ quan công an vì có thể bị giữ xe, tôi dễ mất việc. Nhưng giờ nếu được làm lại, tôi sẽ trình báo. Vì tôi tin rằng, trường hợp ấy, tôi đang đi đúng, người sai là cháu bé, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản và tôi chỉ phải hỗ trợ cháu bé tùy theo tình cảm của mình”, anh Đ. cho hay.

Thỏa thuận phải đúng luật

Về vấn đề tự thỏa thuận sau TNGT, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật cho phép các đương sự thỏa thuận trong quan hệ dân sự, tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng được phép thỏa thuận.
“Những vụ TNGT gây thiệt hại thương tích 61% trở lên hoặc gây hậu quả chết người thì việc thỏa thuận bồi thường chỉ là về mặt dân sự, chỉ là căn cứ cho tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt. Còn đối với những vụ TNGT chưa đến mức xử lý hình sự, hai bên tự thỏa thuận bằng miệng tại hiện trường không mời công an mà sau đó không đạt được thỏa thuận thì các bên phải gửi đơn đến tòa án để giải quyết”, luật sư Cường cho biết.

Rac roi thoa thuan mieng sau tai nan giao thong - Hinh anh 2
 Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, theo quy định hiện hành, khi xảy ra TNGT, các bên phải trình báo cơ quan công an. Ảnh: TL

Xác nhận có thực trạng nhiều vụ TNGT xảy ra, những người liên quan không trình báo cơ quan chức năng vì ngại phức tạp, Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, Phó Đội trưởng Đội CSGT, trật tự Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết, chính sự ngại ngần ban đầu này sẽ nảy sinh nhiều rắc rối về sau.
“Khi xảy ra TNGT, hai bên hứa hẹn miệng với nhau, rồi tự bồi thường về mặt dân sự, không trình báo cơ quan công an. Nhưng sau đó phát sinh chi phí điều trị, sửa chữa phương tiện, thậm chí sức khỏe nạn nhân xấu hơn dự tính ban đầu, thì các bên quay lại trình báo. Lúc này, lực lượng tiếp nhận giải quyết vụ việc sẽ gặp nhiều khó khăn như: Hiện trường ban đầu không còn; phương tiện mang về sửa chữa nhiều ngày không còn dấu vết để khám nghiệm; tai nạn xảy ra lâu, khó tìm nhân chứng...”, Thiếu tá Tiệp phân tích.
Theo Thiếu tá Tiệp, theo quy định hiện hành, khi xảy ra TNGT, các bên phải trình báo cơ quan công an nơi gần nhất, thông qua số máy của cảnh sát 113, công an phường địa bàn...
Khi tiếp nhận trình báo tai nạn, cơ quan công an sẽ tới hiện trường rà soát camera, tìm nhân chứng, khám nghiệm phương tiện, hiện trường, lấy lời khai... Sau đó, các bên liên quan sẽ được mời tới để cơ quan công an thông báo nguyên nhân vụ tai nạn, lỗi về bên nào thì bên đó có trách nhiệm bồi thường.
Về mặt dân sự hai bên thỏa thuận, sau đó cơ quan công an tiến hành xử lý các lỗi vi phạm giao thông theo quy định. Nếu vụ tai nạn gây thương tích trên 61% về thiệt hại sức khỏe sẽ chuyển cơ quan điều tra thụ lý giải quyết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi xảy ra va chạm, TNGT thì phải trình báo để cơ quan công an xác nhận, lập biên bản hiện trường. Kể cả khi hòa giải, có cơ quan công an chứng thực thì mới là cơ sở pháp lý.
“Còn nếu thỏa thuận miệng, không có cơ quan công an làm chứng thì cần phải viết giấy xác nhận rõ ràng, tốt nhất có ghi âm, video quay lại. Nếu tự hòa giải miệng, không có một chứng cứ nào thì sau này xảy ra tranh chấp, khiến kiện sẽ rất phức tạp”, luật sư Hậu khuyến cáo. 

 

Tin liên quan