Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là đầu mối giao thông lớn kết nối Hà Nội với cả nước và quốc tế. Nhưng có một thực tế là sân bay này chưa được kết nối tốt với đô thị trung tâm cũng như nhiều vùng trong khu vực Thủ đô, bởi thiếu một tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
Người dân và du khách gặp khó
Hiện mỗi năm Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đáp ứng khoảng 30 triệu lượt hành khách; dự báo đến năm 2030 sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm. Các phương tiện kết nối từ sân bay thuộc diện lớn nhất cả nước này đến đô thị Hà Nội và Vùng Thủ đô vẫn là xe cá nhân, taxi, xe khách và vỏn vẹn 2 tuyến xe buýt. Mỗi dịp lễ, Tết nguy cơ ùn tắc từ ngay trong sân bay luôn hiện hữu, khiến người dân và cả du khách quốc tế gặp khó.
Chị Dư Thị Hà (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Mỗi năm về quê nhà ở huyện Mỹ Đức hai lần thôi nhưng gia đình tôi rất chật vật. Từ sân bay Nội Bài nếu đi xe buýt thì phải đổi 2 chặng, mất gần 4 tiếng đồng hồ mới về đến. Đi taxi thì một chiều mất đến gần cả triệu bạc, rất tốn kém”.
Tương tự, anh Dương Hữu Đạt (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cho biết, do nhu cầu công việc, mỗi năm anh phải ra nước ngoài 4 - 5 lần, đi các tỉnh thành phía Nam 6 - 7 lần bằng máy bay.
“Để đến sân bay, nếu đi xe buýt thì phải đổi xe 3 lần, mất gần 3 tiếng đồng hồ, đi taxi thì mất 300.000 - 500.000 đồng/lượt, tổng thể số tiền chi phí cho đi lại từ nhà đến sân bay và ngược lại của tôi mỗi năm lên đến cả chục triệu đồng” - anh Dương Hữu Đạt cho biết.
Từ sau khi hai tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông và 3.1 Nhổn - Cầu Giấy đi vào hoạt động, đông đảo Nhân dân Thủ đô ngày càng mong mỏi có thêm tuyến ĐSĐT kết nối với sân bay Nội Bài. Đó cũng là kỳ vọng của rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội mỗi năm.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định, tuyến ĐSĐT kết nối sân bay với trung tâm Hà Nội không chỉ có vai trò quan trọng với đời sống dân sinh mà còn có ý nghĩa rất lớn với ngành du lịch của TP. Hiện các đoàn du lịch đến với Thủ đô phải chi trả chi phí cho việc di chuyển từ sân bay đến điểm dừng chân. Khách du lịch đi lẻ lại càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm phương tiện đi lại từ sân bay đến điểm tham quan hoăc khách sạn.
Không chỉ thuận tiện cho hành khách, ĐSĐT còn được đánh gái là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông cho những tuyến đường kết nối với sân bay Nội Bài.
Đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Mỗi dịp lễ, Tết, hoặc ngay cả giờ cao điểm thường ngày, lượng xe đến và đi sân bay Nội Bài qua Vành đai 3, Vành đai 2, cầu Nhật Tân… rất lớn. Trong đó phần nhiều là xe cá nhân và taxi. Nếu có ĐSĐT vừa nhanh, vừa thuận tiện, chắc chắn nhiều hành khách sẽ lựa chọn để đến sân bay thay cho nhiều loại phương tiện khác, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm”.
Cụ thể hóa quy hoạch
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có tuyến ĐSĐT số 2 kết nối sân bay Nội Bài với lộ trình: Khu đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi - Nội Bài - Sóc Sơn. Đây là một trong những tuyến ĐSĐT được định hướng sớm nhất của Thủ đô, nhưng nhiều năm qua do không ít vướng mắc nên chưa triển khai được. Dự kiến tuyến ĐSĐT này sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030.
Trước mắt Hà Nội đang rất nỗ lực triển khai tuyến ĐSĐT số 2, đoạn 2.1, tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn 2.1 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia của TP Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km; đoạn trên cao dài khoảng 2,6km; đoạn ngầm dài khoảng 8,9km; khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Điểm đầu tuyến tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối tại nút giao phố Huế - Nguyễn Du. Toàn tuyến có 10 nhà ga gồm 3 ga, 7 ga ngầm.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Theo tôi thì tuyến ĐSĐT số 2 là một trong những tuyến cấp thiết phải đầu tư nhất hiện nay. Nó không chỉ có ý nghĩa về giao thông, môi trường mà còn có vai trò quan trọng với du lịch, kiến trúc đô thị của Hà Nội”. Vị lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết thêm, tuyến ĐSĐT số 2 còn kết nối với phân nửa mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội theo Đề án mở rộng (với 15 tuyến) mới được xây dựng. Bởi vậy nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 2 có thể xem là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã quy hoạch tuyến ĐSĐT số 6: Ngọc Hồi - Nội Bài với tổng chiều dài 43km, dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Đây cũng sẽ là tuyến ĐSĐT chính kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội bài với sân bay thứ 2, khu vực đô thị phía Nam TP. Với hai tuyến ĐSĐT số 2 và 6, sân bay Nội Bài sẽ được liên kết chặt chẽ với toàn mạng lưới ĐSĐT của TP.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Quy hoạch đã có, gần đây các hành lang pháp lý quan trọng như: Luật Thủ đô sửa đổi, Luật Đất đai 2024… cũng đã được thông qua. Hà Nội phải nhanh chóng cụ thể hóa quy hoạch, biến mong mỏi có ĐSĐT kết nối sân bay của hàng triệu người dân Thủ đô thành hiện thực”. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành hết sức tập trung, tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, vướng mắc để dự án tuyến ĐSĐT số 2 sớm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Nếu có tuyến ĐSĐT đi thẳng từ sân bay đến trung tâm TP sẽ vừa giảm chi phí đi lại, vừa bảo đảm an toàn, thuận tiện cho du khách, giúp du lịch Thủ đô hấp dẫn hơn, hình ảnh TP trong mắt bạn bè quốc tế thân thiện hơn rất nhiều.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương
Minh Tường