Sau kinh doanh vận tải, ngành phụ trợ cũng than “khổ”

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đợt giãn cách liên tiếp đã khiến không ít doanh nghiệp (DN), trong đó có DN vận tải và DN phụ trợ vận tải điêu đứng. Vẫn biết, mối quan hệ giữa DN kinh doanh vận tải và DN phụ trợ vận tải (bến, bãi, kho hàng) là không thể tách rời; nên khi khả năng chi trả của một trong hai bên bị hạn chế cũng đồng nghĩa với việc bên còn lại sẽ “rơi tự do”.

Chung gánh nặng

Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đưa ra ví dụ ở bến xe Mỹ Đình, trung bình sản lượng đạt từ 800 - 1000 lượt xe/ngày, nay giảm xuống chỉ còn 200 - 300 lượt/ngày. Tình hình sụt giảm nghiêm trọng cũng diễn ra tương tự ở các bến khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng mức thu của một số chi phí dịch vụ đã được điều chỉnh giảm để chia sẻ khó khăn với các DN kinh doanh vận tải. 
Trong khi đó, các đơn vị phụ trợ vận tải lại chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức, khi vừa phải nỗ lực vượt khó, vừa “gồng gánh” các DN kinh doanh vận tải có mối liên hệ cộng sinh chặt chẽ với mình. Mặc dù cả đơn vị khai thác bến lẫn DN kinh doanh vận tải đang hết sức tương trợ lẫn nhau, thế nhưng khó khăn tồn tại là không thể tránh khỏi. 
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ lo ngại rằng tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng vận tải đều đang dần kiệt sức, không còn nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau. Do đó cơ quan quản lý cần thiết lập phương án hỗ trợ DN khai thác phụ trợ như đối với DN kinh doanh vận tải.
Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm suy yếu nền kinh tế nói chung, trong đó vận tải là một trong những ngành ảnh hưởng lớn nhất. Việc miễn, giảm các khoản thu đối với DN kinh doanh vận tải chỉ là phương án trước mắt, các đơn vị khai thác dịch vụ vận tải vẫn chờ đợi cơ quan quản lý nghiên cứu, đưa ra sách lược lâu dài hơn.
Đại diện một DN chuyên phục vụ kho, bãi và dịch vụ phụ trợ (xin giấu tên) chia sẻ rằng doanh thu của đơn vị đã giảm đến 50% so với thời kỳ trước khi có dịch Covid-19. Trong đó, nguyên nhân bắt nguồn từ việc chậm thanh toán hợp đồng, hạn chế tối đa chi phí thuê hỗ trợ từ DN kinh doanh vận tải. Từ vài tháng trở lại đây, đơn vị này cũng nhận được thư đề nghị giảm chi phí thuê kho, bãi tới 30 - 40% khiến nỗi lo càng lớn hơn.
Trên quan điểm kinh doanh, các DN khai thác phụ trợ vận tải cũng cần phải “giữ khách” nếu không muốn bị chấm dứt hợp đồng, DN kinh doanh vận tải không tiếp tục sử dụng dịch vụ. Nhưng các khoản thuế, phí sử dụng đất, bảo hiểm xã hội cho người lao động đang khiến nhiều DN khai thác phụ trở cảm thấy “khó thở”, trong khi vòng nợ của ngân hàng ngày càng siết chặt.

Sau kinh doanh van tai, nganh phu tro cung than “kho” - Hinh anh 1
 Cảnh vắng vẻ thường thấy ở các bến xe trong thời kỳ Covid-19.

Giãn vòng nợ ngân hàng
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng các đề xuất như giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng, giãn nộp số nợ bảo hiểm xã hội đối với các DN vận tải, bến xe là cần thiết. Bởi đây cũng là một cách gián tiếp giảm gánh nặng cho DN kinh doanh vận tải, trong đó giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất là bến, bãi có khả năng giảm chi phí. Thứ hai là tạo động lực cạnh tranh về giá, giúp DN phụ trợ dễ dàng hơn trong cân đối tài chính. 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng nhận xét rằng các phương án đều mới chỉ dừng lại ở mức hô hào khẩu hiệu, chính sách còn quá xa vời, chưa tới được nơi cần hỗ trợ trong khi DN đã tỏ ra mệt mỏi và giảm dần hy vọng được “tiếp sức” vì chờ đợi quá lâu.
Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội và Hải Phòng đều cho rằng thứ cấp thiết đối với cả DN kinh doanh vận tải và đơn phụ cung cấp dịch vụ phụ trợ cần lúc này là chính sách giãn nợ từ phía ngân hàng để giảm sức ép… Do hiện tại, ngân hàng đang siết chặt với tất cả các khoản nợ khi nhận thấy rủi ro, bất chấp có những nơi khó khăn xuất phát từ lý do bất khả kháng.
Để tháo nút thắt này, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng cần có chính sách linh hoạt, cụ thể đối với đặc thù từng địa phương nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch mà không thể hoạt động, không có doanh thu và nơi ít ảnh hưởng hơn. 
Đặc biệt, cần giải quyết vấn đề trên diện rộng bởi nếu chỉ mình DN kinh doanh vận tải có thể gượng dậy, trong khi DN phụ trợ vẫn lao đao sẽ dẫn đến chuỗi cung ứng đình trệ. Điều này dẫn đến việc hồi phục không còn nhiều ý nghĩa hoặc DN vận tải suy sụp thêm một lần nữa vì thiếu đi hệ sinh thái phát triển.

Đại diện công ty CP Giao hàng tiết kiệm cho biết, dịch bệnh khiến sản lượng đơn hàng của DN này sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn 2020 đến nay chưa được phục hồi, 50% đối tác đang sử dụng dịch vụ phải đóng cửa. Do sụt giảm sản lượng, sức ép từ các khoản chi phí cố định (thuê mặt bằng, kho, bãi..) DN đã đề nghị đơn vị cung ứng dịch vụ phụ trợ điều chỉnh giảm tiền thuê mặt bằng.


Tin liên quan