Siết kiểm soát kinh doanh vận tải: Mừng nhưng chưa hết lo

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Một số quy định nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng dịch vụ vận tải đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua. Ghi nhận thực tế cho thấy, các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải đã ý thức tự giác chấp hành, tuy nhiên vẫn còn không ít lo ngại, băn khoăn.

Siet kiem soat kinh doanh van tai: Mung nhung chua het lo - Hinh anh 1
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tập trung xử lý xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Ảnh: Xuân Chính   

Còn hiện tượng chưa chấp hành

Thông tin từ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, ít ngày qua, đơn vị đã thành lập 6 tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định lắp camera trong xe đối với xe khách liên tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các xe có hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn đã lắp đặt camera đầy đủ. Tuy nhiên, một số xe lắp chưa đúng vị trí, camera chưa hoạt động tốt… Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian này, đơn vị vẫn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chấp hành tốt các quy định mới.

Tương tự Chỉ huy Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng cho biết, từ ngày 1/1 tới nay, đơn vị đã tăng cường tuần tra, khi phát hiện xe vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi chưa đổi sang biển vàng đã ưu tiên tuyên truyền, nhắc nhở để chủ xe tự giác chấp hành quy định.

Đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, việc đăng ký cấp đổi sang biển số màu vàng, dù thực hiện sau ngày 31/12/2021 cũng sẽ không bị xử phạt. Chỉ khi xe hoạt động chở khách trên đường mà chưa có biển số phù hợp quy định mới bị xử phạt.

Anh Dư Trung Tưởng - tài xế taxi (Mỹ Đức) cho biết, nhiều tháng qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xe buộc phải để nhà, chưa kinh doanh trở lại. “Chi phí đổi biển số cũng không nhiều, nhưng do xe chưa hoạt động, thời điểm cận ngày 31/12/2021 lượng xe đi đổi biển khá đông nên tôi chưa đến làm thủ tục. Trước khi chở khách lại tôi cũng sẽ đi đăng ký đổi biển số đúng quy định của pháp luật” - anh Dư Trung Tưởng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, phần lớn xe kinh doanh vận tải hành khách phải nằm “đắp chiếu”. Một phần do chưa có kinh phí, phần khác do xe cũng chưa vận hành nên có một bộ phận xe khách chưa hoàn thành lắp đặt camera trong xe. “Chắc chắn trước khi xe ra hoạt động, các DN sẽ phải lắp đầy đủ nếu không có thể bị xử phạt hành chính” - ông Đỗ Anh Bằng nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lắp đặt camera bên trong xe khách liên tỉnh và thay đổi màu biển số đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi là vô cùng cần thiết, vừa hữu dụng cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, vừa tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít lo ngại, băn khoăn từ cả phía DN lẫn hành khách, người dân về việc giám sát, xử phạt xe kinh doanh vận tải của lực lượng chức năng liệu có nghiêm ngặt hơn (?).

Phải nghiêm khắc thực hiện

 Ghi nhận thực tế cho thấy, trên một số tuyến phố cấm xe kinh doanh vận tải hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trong khu vực trung tâm TP những ngày qua vẫn có hiện tượng xe mang phù hiệu “xe hợp đồng”, biển số màu vàng, hoạt động. Anh Lê Văn Hà (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) nói: “Đổi biển số màu vàng là để CSGT phát hiện, xử phạt xe chở khách đi vào phố cấm, nhằm giảm áp lực giao thông trong giờ cao điểm. Nếu đổi biển số rồi, có thể nhận biết dễ dàng rồi mà xử phạt không nghiêm thì cũng không có tác dụng gì”.

Anh Đỗ Mạnh Hùng (Long Biên) cho biết: “Vừa qua, tôi có đi xe khách tuyến Hà Nội - Nghệ An. Trên xe có lắp camera nhưng chẳng biết có hoạt động không vì không có đèn tín hiệu phát sáng. Hơn nữa dữ liệu camera truyền đi có được giữ đầy đủ không? Nếu các nhà xe cứ báo camera hỏng, chậm thay thế thì khi có sự cố trên xe, lấy cơ sở nào để quy trách nhiệm”.

Trên thực tế, vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra một số xe khách liên tỉnh tại cửa ngõ phía Nam và phát hiện có tình trạng camera bị mờ, hoặc lắp sai vị trí. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, không loại trừ khả năng có hiện tượng xe khách đối phó với quy định, lắp đặt camera nhưng không truyền dữ liệu hoặc dữ liệu không rõ ràng, đầy đủ.

Ngay như thiết bị giám sát hành trình - GPS của các xe cũng vậy. Có xe cả tháng chẳng truyền dữ liệu, hoặc dữ liệu “nguội”, chỉ có tác dụng phục vụ xử phạt hành chính chứ không phát huy được hiệu quả cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, vi phạm. “Dữ liệu từ camera trên xe khách chỉ truyền dữ liệu về một địa chỉ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ khó mà đem lại hiệu quả quản lý tốt” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi, cả nước có đến hàng trăm ngàn xe kinh doanh vận tải, dữ liệu từ hàng chục vạn camera truyền về một đơn vị là Tổng cục Đường bộ, liệu một đơn vị này có rà soát hết hay không? Mặt khác, cơ quan tiếp nhận kiểm soát dữ liệu chỉ có một, liệu có tình trạng dữ liệu bị thay đổi, cắt xoá để phục vụ mục đích riêng hay không (?).

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển cho rằng: “Thay vì truyền tất cả dữ liệu về một cơ sở của Tổng cục Đường bộ, vừa có rủi ro, vừa có thể gây quá tải, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu cho phép các Sở GTVT địa phương có cơ sở dữ liệu riêng, tiếp nhận hình ảnh camera trong xe để giám sát tốt hơn phương tiện trên địa bàn quản lý”.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, các xe kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp đặt camera, hoặc camera không ghi dữ liệu sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Lỗi tương tự đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách là từ 5 - 12 triệu đồng.


 Lẽ ra quy định lắp đặt camera bên trong các xe khách liên tỉnh đã phải thực hiện từ lâu. Một khi có sự giám sát bằng hình ảnh, chất lượng phục vụ của nhà xe sẽ tự động được nâng lên, những vi phạm như thu quá giá, nhồi nhét, bắt khách dọc đường cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể.

 Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng 

ĐẶNG SƠN/KTĐT

Tin liên quan