Như vậy, con số người chết và bị tàn tật hằng năm là rất lớn, quyền sống, quyền an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông rõ ràng chưa được bảo vệ, bảo đảm tốt. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường các biện pháp bảo đảm TT, ATGT đường bộ, nhằm bảo vệ quyền con người, trước hết là quyền sống, quyền được an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của mọi người khi tham gia giao thông, vì suy cho cùng mục tiêu cần đạt được của TT, ATGT là thiết lập và thúc đẩy trạng thái tham gia giao thông của mọi người có nền nếp, có kỷ cương, trật tự, an toàn và có văn hóa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ TNGT gây ra, qua đó góp phần trực tiếp bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động giao thông đường bộ.
Tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TT, ATGT đường bộ là cách tiếp cận dựa trên các chuẩn mực pháp luật quốc tế, các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 để soi chiếu vào quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật về ATGT, đường bộ, nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người của người khi tham gia giao thông, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và Xã hội. Áp dụng tốt cách tiếp cận quyền con người trong dự Luật này sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với người tham gia giao thông, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước và Xã hội.
|
PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo xây dựng Dự án Luật TT, ATGT đường bộ. |
Đối với người tham gia giao thông, quyền con người được bảo vệ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời tư… như Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
- Đối với nhà nước, bảo đảm tốt TT, ATGT đường bộ nghĩa là các quyền của người tham gia giao thông được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ điều này không chỉ thể nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước, cụ thể là các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TT, ATGT đường bộ; phòng ngừa các hành vi vi phạm từ cơ quan công quyền, bảo vệ được cán bộ; giảm thiểu gánh nặng ngân sách; qua đó thể hiện uy tín, niềm tin của người dân đối với nhà nước, cơ quan và các cán bộ công chức Nhà nước.
- Đối với xã hội, TNGT dẫn đến chết người, tàn tật là gánh nặng xã hội rất lớn, do chi phí chăm sóc, cứu chữa, nuôi dưỡng nạn nhân của không chỉ gia đình nạn nhân mà ảnh hưởng tới chi phí xã hội, gánh nặng xã hội nói chung. Nên việc bảo đảm tốt quyền con người của người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, giảm các vụ việc TNGT chết người, tàn tật sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Từ những lợi ích mang lại, tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TT, ATGT đường bộ cần nghiên cứu xây dựng các quy định về hoạt động phòng ngừa vi phạm giao thông theo hướng càng cụ thể càng tốt; kể cả nghĩa vụ và các hành vi cấm đối với người tham gia giao thông. Các quy định phòng ngừa TNGT không chỉ liên quan tới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, các quy định về quy tắc giao thông mà chủ yếu có liên quan tới hành vi của người tham gia giao thông.
Vì theo thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam, “có hơn 70% các nguyên nhân dẫn tới TNGT tại Việt Nam liên quan tới nhân tố người tham gia giao thông. Trong đó có một số hành vi có nguy cơ cao dẫn tới TNGT hoặc gây hậu quả lớn, như sử dụng rượu, bia khi lái xe, vi phạm quy định tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, không thắt dây an toàn trên ô tô hoặc không có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô”. Do đó, cần đặc biệt chú trọng đến các quy phạm pháp luật về phòng ngừa vi phạm từ phía người tham gia giao thông.
|
Một hiện trường vụ tai nạn sáng 30/1 khiến tài xế GrabBike tử vong, chị Hường nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang thương tật 79%. |
Khi xây dựng các quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm TT, ATGT đường bộ, cần chú ý phòng ngừa vi phạm quyền con người, các quy phạm phòng ngừa hành vi của cơ quan thực thi công vụ, trước hết cần nhận thức rõ, đây là hoạt động rất dễ đụng chạm đến quyền con người, có thể dẫn tới vi phạm quyền con người trong giao thông đường bộ, nếu không quy định rõ ràng, thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ.
Chẳng hạn thẩm quyền của cơ quan chức năng có quyền dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát; khám người, khám phương tiên vận tải, kiểm tra giấy tờ tùy thân, xử phạt vi phạm giao thông. Huy động người, phương tiện, thiết bị; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ... Tất cả các hành vi này liên quan trực tiếp tới quyền con người, ranh giới giữa thực thi công vụ với sự lạm dụng thầm quyền có thể xẩy ra.
Đồng thời, cần có các quy định về bảo vệ nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông, yêu cầu bắt buộc đối với hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tâm thần... Đặc biệt là cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giúp đỡ đối với nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ.
Trong tiếp cận quyền cần đặc biệt chú ý tới các quy định về giải quyết các vụ án TNGT. Đây là vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất trong bảo vệ quyền con người của người tham gia giao thông. Bảo vệ quyền con người trong vụ án TNGT, phải tiếp cận bảo vệ quyền cho cả người gây hại và đặc biệt là người bị nạn. Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc/vụ án TNGT, từ khi nhận được tin báo vụ TNGT, đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại.
Đây là hoạt động đầu tiên và trực tiếp liên quan tới bảo đảm quyền con người, cụ thể là quyền được sống, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, quyền được bảo vệ tài sản hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc cứu hộ, cứu nạn vừa nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, vừa nhằm bảo đảm an toàn cho người gây ra vụ tai nạn, không để họ bị xâm phạm thân thể, tài sản do sự bức xúc của phía bị hại hoặc của những người tham gia giao thông; các quy định về bảo vệ hiện trường; bảo vệ an toàn cho khám nghiệm hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn và hàng hóa trên phương tiện trong vụ TNGT; các quy định về thu thập các thông tin ban đầu gồm phát hiện, thu thập các dấu vết liên quan đến vụ tai nạn, tìm người điều khiển phương tiện và những người có liên quan đến vụ TNGT, kiểm tra nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện gây tai nạn, thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến vụ TNGT đường bộ.
|
Chị Hường nữ tiếp viên hàng không (khẩu trang đen) chống nạng đến phiên tòa và luôn mạnh mẽ để tự bảo vệ quyền lợi cho mình và tài xế GrabBike. |
Hoạt động bảo vệ hiện trường và thu thập thông tin ban đầu là điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc điều tra làm rõ bản chất của vụ TNGT, góp phần quan trọng xử lý đúng người, đúng tội khi tiến hành các hoạt động tố tụng trong giải quyết các vụ án TNGT đường bộ.
Trong quá trình điều tra, xác minh vụ TNGT đường bộ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành áp dụng biện pháp tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến vụ TNGT để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính; khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ TNGT; ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT; ghi lời khai của những người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ TNGT; ghi lời khai của người làm chứng; tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ TNGT đường bộ có thể tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn, xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường liên quan đến vụ TNGT, kiểm tra, xác minh phương tiện, người điều khiển phương tiện, hành khách, hàng hóa vận chuyển và các giấy tờ có liên quan; trong trường hợp cần thiết có thể dựng lại hiện trường, trưng cầu giám định chuyên môn.
Tất cả các hoạt động điều tra, xác minh nêu trên đều liên quan trực tiếp đến quyền con người; quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ TNGT, từ người bị nạn đến người vi phạm, người làm chứng và cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Do đó vấn đề đặt ra các quy trình thủ tục, cần được cụ thể trong luật.
Đào Thanh Huy (Công an TP Hải Phòng)