Sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền công trình giao thông là khả thi

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đặt mục tiêu hiện thực hóa 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, nhưng nhiều dự án đường bộ, đặc biệt là Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vấp phải khó khăn rất lớn là thiếu cát đắp nền. Để giải quyết vấn đề này, cát biển được cho là một phương án khả thi.

Hiện nay, nhiều dự án đường cao tốc, đặc biệt với tuyến Bắc - Nam đang bước vào giai đoạn thi công nước rút, nhưng tiến độ khó bảo đảm do khan hiếm nguồn cát xây dựng. Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực tìm phương án giải quyết. Trong đó, nổi lên phương án nghiên cứu khai thác và sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Từ kết quả thi công thí điểm cát biển đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau cho kết quả rất khả quan, Bộ GTVT khẳng định, nếu khai thác cát biển theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn được quản lý để phục vụ việc san lấp trong xây dựng vẫn đạt hiệu quả như sử dụng cát nước ngọt. Thậm chí giá thành cung cấp cho thị trường xây dựng còn thấp hơn giá thành cát nước ngọt.

Su dung cat bien lam vat lieu dap nen cong trinh giao thong la kha thi - Hinh anh 1
Kết quả thi công thí điểm cát biển đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau cho kết quả khả quan.

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng cát biển trong xây dựng, san lấp từ khá lâu. Một số nước đi đầu trong khai thác, sử dụng cát biển làm cốt liệu xây dựng chính là Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Mỹ… với công nghệ khai thác, xử lý để sử dụng cát biển. Trong nước, cử tri nhiều địa phương cũng đề nghị Bộ GTVT cân nhắc lấy cát biển thay thế cát sông và ứng dụng rộng rãi trong thi công các tuyến cao tốc nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm cát phục vụ các công trình trọng điểm, nhất là các dự án đường cao tốc ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dù hiện nay các bộ chuyên ngành đã ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện để áp dụng cát biển vào xây dựng công trình giao thông, nhưng trên thực tế, để ứng dụng rộng rãi vẫn còn nhiều điều cần lưu ý. Trước hết, việc khai thác cần có văn bản hướng dẫn về điều kiện khai thác khả thi, ngưỡng chịu mặn cho việc sử dụng cát biển đối với các dự án giao thông, bởi lý tính cát biển khai thác ở từng khu vực khác nhau; việc ứng dụng phải phù hợp trên thực tế.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan, các bộ chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định để làm căn cứ thực hiện.

Về môi trường cũng rất cần các tổ chức, đơn vị cung cấp cát biển và các địa phương nêu cao trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan để quản lý việc khai thác cát, tránh gây ảnh hưởng lâu dài đối với môi trường.

Trước đó, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư xem xét, quyết định sử dụng nguồn cát nhập khẩu theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Từ ý kiến chỉ đạo trên, các địa phương có thể cân nhắc một trong hai giải pháp phù hợp để chọn phương án giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu để vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho dự án, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Qua đó, góp phần giúp thị trường phục vụ cát san lấp ổn định trong thời gian tới, tránh tình trạng khan hiếm ảnh hưởng đến việc tăng giá sử dụng và tiến độ thi công các công trình giao thông.

Tin liên quan