Sửa chữa mặt cầu Thăng Long: Hoàn toàn do năng lực và trách nhiệm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những ngày đầu tháng Bảy này có một sự kiện mà người dân Hà Nội, thậm chí là cả nước trông đợi, đó là việc khởi công cải tạo, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cây cầu từng được coi là công trình thế kỷ, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô trước kia và Việt - Nga hôm nay.

Cách đây vài tháng, ngày 4/5, trao đổi với báo giới, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam (Tổng cục ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Chính phủ đã có văn bản đồng ý dùng vốn bảo trì để sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trong tháng 5 sẽ chuẩn bị các hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để chuẩn bị hồ sơ thầu, trong tháng 6 sẽ đấu thầu và 1/7 sẽ thi công và hoàn thành trong quý IV”.
Đây là một tin đáng mừng, vì từ nhiều năm nay, việc bảo trì, sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang bị hư hỏng nặng, kéo dài đã là một vấn đề mà các cơ quan chức năng cũng như người dân quan tâm.
Quan tâm bởi đây là cây cầu trọng yếu bắc qua sông Hồng, nối liền các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu Thăng Long được các chuyên gia Liên Xô thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Sau hơn 20 năm vận hành, cầu bị hư hỏng bề mặt, xuất hiện các vết nứt ngang, nứt xiên, dồn ụ bê tông nhựa trên mặt cầu. Năm 2009, cầu Thăng Long được sửa chữa lần đầu tiên. Tuy nhiên, việc sửa chữa không đạt yêu cầu. Chỉ một thời gian ngắn sau khi sửa chữa, mặt bê tông nhựa cầu Thăng Long tiếp tục bị nứt.
Năm 2013, cầu Thăng Long lại được sửa chữa theo công nghệ Mỹ. Với công nghệ được lựa chọn, tình trạng mặt cầu được cải thiện hơn lần sửa chữa năm 2009, song cũng chỉ một thời gian sau, nhiều vị trí mặt cầu lại xuất hiện những hư hỏng tương tự lần trước.
Như vậy là sau hai lần sửa chữa lớn với chi phí hàng trăm tỷ đồng cùng với nhiều đợt duy tu, cải tạo nhỏ, mặt cầu Thăng Long vẫn trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, là mối lo cho người tham gia giao thông. Trong khi đó, theo lộ trình, cuối năm 2020, tuyến cầu cạn trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ hoàn thành, tạo lộ trình thông suốt từ Đông Anh về cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với tốc độ 80km/h. Với tình trạng nói trên, nếu không kịp thời sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ là “nút thắt cổ chai” của tuyến cao tốc này.
Cũng bởi thế, cách đây gần một năm, ngày 12/8/2019 khi đi kiểm tra tình trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cam kết sẽ tìm ra các giải pháp căn cơ để khắc phục triệt để toàn diện mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), bền vững ít nhất 7 - 10 năm. Ông cũng ra “tối hậu thư”, yêu cầu Tổng cục ĐBVN và các đơn vị phải nhanh chóng tìm phương án sửa chữa cầu Thăng Long, đặc biệt, mặt cầu phải bảo đảm vận hành từ 7 - 10 năm. Yêu cầu này cũng được Bộ GTVT nhắc lại vào tháng 4/2020.
Trở lại việc khởi công cải tạo, sửa chữa mặt cầu Thăng Long được trông đợi diễn ra vào 1/7. Rõ ràng là với tầm quan trọng của cây cầu, từ tình trạng hư hỏng kéo dài với nhiều lần sửa chữa không thành công, với lời hứa chắc chắn trước người dân cùng “tối hậu thư” của ông Bộ trưởng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng lần sửa chữa này sẽ đạt 2 mục tiêu: Bảo đảm chất lượng theo yêu cầu và về đích đúng thời hạn, hoàn thành trong tháng 9/2020 để đưa vào khai thác đồng bộ với dự án đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Cũng cần khẳng định việc này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan, mà cụ thể ở đây là Tổng cục ĐBVN và Bộ GTVT. Vì như ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN từng nói: Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là tài chính, vì đơn vị đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa chữa cầu Thăng Long với kinh phí lấy nguồn từ Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư. Và trong thực tế, Thủ tướng đã cho phép chi gần 270 tỷ đồng cho đợt sửa chữa lớn này.
Cũng theo ông Huyện, phương án sửa chữa lần này đã được lựa chọn kỹ càng, trên cơ sở kết quả phân tích so sánh, tổng hợp thực tiễn sửa chữa mặt cầu thép trên thế giới để tìm ra phương án phù hợp nhất. Đặc biệt, việc thi công công trình sẽ không gặp khó khăn bởi công tác giải phóng mặt bằng, cái “dớp” của nhiều công trình giao thông khác!
Rõ ràng, thành bại của lần sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này hoàn toàn do năng lực và trách nhiệm của những người thực hiện.

Lê Quân

Tin liên quan