Tái diễn nạn ùn tắc sau giãn cách xã hội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau thời gian giãn cách xã hội, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội hiện đã cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. Vì thế, áp lực giao thông tăng cao, có thời điểm trên một số tuyến đường rơi vào tình cảnh tê liệt.

Lòng đường, vỉa hè đều tắc
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong 2 ngày qua, áp lực giao thông tập trung cao điểm vào khoảng thời gian từ 7 - 9 giờ sáng. Đặc biệt như trong giờ cao điểm sáng ngày 12/5, khi cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống, các trục chính ra vào trung tâm TP như: Nguyễn Trãi - Trần Phú; Tố Hữu Lê Văn Lương; Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ; Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển; Vành đai 3 trên cao… hầu như tê liệt. Các phương tiện chen chúc nhau, nhích từng chút. Anh Phan Quang Thuận (Dương Nội, Hà Đông) cho biết: “Tôi đi từ nhà lúc 7 giờ 10 phút mà đến gần 8 giờ 30 phút mới qua được đoạn đường chừng 5km để đến cơ quan. Ùn tắc kinh hoàng!”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh (Mộ Lao, Hà Đông) chia sẻ: “Tuyến đường Nguyễn Trãi tắc cứng, xe ô tô dàn hàng ba, hàng bốn, xe máy gần như bị quây kín, leo lên vỉa hè cũng tắc, đi dưới lòng đường cũng ùn ứ, không biết xoay xở thế nào”.
Tại một số cổng trường trên địa bàn TP như: Trường Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy), Tiểu học Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), Tiểu học & THCS Khương Thượng ( Đống Đa)… tình trạng UTGT có tính chất cục bộ vì các bậc phụ huynh đưa con đi học còn phải xếp hàng để hỗ trợ con đo thân nhiệt. Chị Lương Thị Hương, một phụ huynh học sinh trường Tiểu học Trung Yên chia sẻ, do thời gian nghỉ học phòng chống dịch diễn ra tương đối dài nên nhiều cháu lớp 1, lớp 2 khóc lóc không chịu vào lớp, các đoàn viên thanh niên, CSGT… còn phải kiêm luôn nhiệm vụ dỗ dành, thậm chí còn đóng vai "phù thủy" để nhanh chóng đưa các cháu vào trường. "Trời mưa, việc thực hiện đo thân nhiệt cho con ở trường vất vả hơn nhưng chúng tôi vẫn chấp hành đúng yêu cầu phòng dịch. Mừng vì dịch bệnh đã đang được đẩy lùi nhưng không được chủ quan, chậm một chút cũng không sao" - chị Hương nói.
Mạnh ai nấy đi
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, để bảo đảm trật tự ATGT khi hết thời gian giãn cách ly xã hội, đặc biệt là việc các cơ sở giáo dục mở cửa đóng học sinh trở lại, đơn vị đã bố trí tăng thêm lực lượng tăng cường tuần tra, chốt trực trên các tuyến đường chính, tuyến đường dẫn vào các cơ sở giáo dục. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố phát sinh, đồng thời hỗ trợ phụ huynh, học sinh, người tham gia giao thông trong giờ cao điểm.
Tại địa bàn phường Khương Mai (Thanh Xuân), theo Trung tá Nguyễn Anh Sơn – Trưởng Công an phường, phường đã phân công rõ người, rõ việc cho từng cá nhân, lực lượng. Trong đó, lực lượng cảnh sát khu vực được yêu cầu rà soát các cửa hàng kinh doanh thuộc địa bàn quản lý, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh; lực lượng cảnh sát trật tự tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh gây cản trở, UTGT, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh đến trường… “Sau mỗi ca, mỗi ngày, các lực lượng có liên quan sẽ ngồi lại với nhau để đánh giá những kết quả đã làm được và chưa làm được để có những điều chỉnh phù hợp” – Trung tá Nguyễn Anh Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, lực lượng chức năng dù đã tung số lượng lớn quân, phối hợp liên ngành CSGT, Thanh tra Sở GTVT, cảnh sát trật tự và có cả hỗ trợ từ các lực lượng thanh niên tình nguyện địa phương cũng không thể giải toả được ngay UTGT vào giờ cao điểm. Đáng buồn là bất chấp gây rối loạn giao thông, coi thường nỗ lực của lực lượng chức năng cũng như pháp luật giao thông, nhiều người điều khiển phương tiện lại tái diễn điệp khúc bon chen, vi phạm "mạnh ai nấy đi”. Tình trạng ô tô chiếm hết mọi làn đường, lấn cả sang những làn cấm như đường dành riêng cho xe buýt BRT diễn ra phổ biến. Người điều khiển xe máy đua nhau leo lên vỉa hè để mong thoát cảnh bị bao vây giữa ùn tắc; xe buýt gần như chôn chân, không nhúc nhích nổi do bị các phương tiện khác chặn lối.
Khoảng một tháng qua, khi các công sở làm việc trở lại nhưng sinh viên chưa đi học, các bệnh viện còn giới hạn người đến, UTGT không xảy ra. Thực tế đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, nếu Hà Nội quyết liệt di dời các trường học, bệnh viện và một số công sở ra khỏi trung tâm, phân tán đến các khu vực ngoại ô, UTGT sẽ có thể được giải quyết về cơ bản.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng

Yến Dư - Vân Nhi

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h