Tai nạn giao thông do rượu bia: Mong một cái Tết an lành

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giống như một quy luật, cứ năm hết Tết đến là thời điểm gia tăng tiêu thụ rượu bia, đồng nghĩa tồn tại khả năng cao có nhiều người đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông ra đường.

Số liệu thống kê trong những năm trở lại đây cho thấy, hàng năm tỷ lệ TNGT do nguyên nhân sử dụng rượu bia chiếm khoảng 6% - 9% trong tổng số vụ tai nạn xảy ra.
Điều này có thể thấy, mặc dù đã có nhiều quy định xử phạt nặng song vấn nạn “ma men” vẫn là nỗi ám ảnh đối với toàn xã hội.
Một chuyên gia giao thông từng chua xót mà thốt lên rằng, những chiếc xe mà “ma men” ngồi sau tay lái chẳng khác nào những “cỗ quan tài di động” trên đường vậy. Và đằng sau đó là số phận của biết bao con người. Bởi khi bất cứ một vụ TNGT nào xảy ra, tổn thất không chỉ là sức khỏe, là sinh mạng của nạn nhân trong vụ tai nạn ấy mà là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con, là cháu... của chính họ. Đó mới chính là nỗi đau lớn nhất và kéo dài nhất chứ nào phải chỉ đơn thuần là sự ra đi, sự nằm xuống của một con người.
Năm 2020, công tác bảo đảm an toàn giao thông đã có sự khởi sắc rất đáng mừng khi đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Kết quả này có được từ một quá trình lâu dài chúng ta kiên trì, tích cực và chủ động thực hiện những gói giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, việc hành lang pháp lý trong công tác này từng bước được hoàn thiện là một trong những yếu tố đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng. Nghị định 100/2019 chính là văn bản pháp lý có vai trò quan trọng nhất trong việc kiềm chế các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.
Cùng với đó là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 cũng là hành lang pháp lý quan trọng giúp kiểm soát các “ma men” ngay từ “đầu ra”. Đã từng có thời điểm, thói quen sử dụng rượu, bia trong xã hội được kiềm tỏa một cách tối đa. Đã từng có lúc, những “ma men” trước khi cầm cốc bia, chén rượu đã phải đắn đo, suy xét rất nhiều. Đó là khi các lực lượng chức năng ra quân xử phạt hành vi vi phạm trên khắp mọi nẻo đường. Nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, thói xấu ấy đâu lại hoàn đó.
 Từ thực tế trên cho thấy, dù công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi ý thức, nếp nghĩ của những “ma men” đã được tăng cường nhưng vẫn không thể lơi là việc thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay cả khi chế tài xử phạt đã được nâng lên đến mức cao khiến nhiều người phải e dè, lo sợ. Và chỉ có sự quyết liệt của lực lượng chức năng mới đủ sức mạnh để trấn áp và răn đe.
 Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nhà nhà, người người đang nỗ lực để hoàn thành nốt công việc đón chào năm mới. Việc đi lại cũng tăng lên, vì vậy mong mọi người hãy tham gia giao thông an toàn và đúng luật, để tất cả chúng ta đều có một cái Tết đầm ấm, an toàn, không bị “ma men” đe dọa.

Quý Nguyễn

Tin liên quan