|
Vận chuyển bằng vận tải công cộng để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: Thanh Hải |
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và các địa phương trong việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong 9 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 12.675 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.659 người, làm bị thương 9.619 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 567 vụ (4,28%), số người chết giảm 353 người (5,8%), số người bị thương giảm 800 người (6,78%). Lần đầu tiên kể từ năm 2014 số người chết do tai nạn giao thông giảm trên 5%; dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm.
Đồng thời, tình trạng ùn tắc giao thông cũng xảy ra khá thường xuyên tại những đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý. Tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, dừng, đỗ xe trái phép… cũng là nguyên nhân gây ùn, ứ giao thông trong các đô thị. Trước thực tế này, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tại các trục giao thông chính, trong các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trong năm 2020, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xác định tiếp tục giảm tai nạn giao thông 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; tiếp tục giảm tình trạng ùn tắc giao thông...
Đề xuất mới cho vấn đề cũ
Thẩm tra vấn đề này, các thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đồng tình với những đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Tuy nhiên, cũng chỉ rõ, tình hình tai nạn giao thông năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do sử dụng rượu, bia, ma túy và chất kích thích. Việc vi phạm về trật tự, an toàn giao thông tại các đô thị lớn; tình trạng xe dù, bến cóc, đón trả khách không đúng địa điểm vẫn còn tồn tại, chưa có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả… Các hoạt động vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa giải quyết dứt điểm, tiếp tục tái diễn sau các đợt thanh tra, kiểm tra…
Phân tích nguyên nhân, các ý kiến cho rằng, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành quy định pháp luật trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém…
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, những nguyên nhân gây ra tình trạng trên không mới, nhưng để giải quyết triệt để cần phải có sự đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân. Đi kèm với tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm; nâng cao trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông bảo đảm đúng quy định, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Ngoài ra, các thành viên Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm đồng bộ hạ tầng giao thông với quy hoạch dân cư, đô thị. Bên cạnh đó, đổi mới biện pháp, cách thức quản lý giao thông, khai thác triệt để CNTT, kết nối các dữ liệu quản lý trật tự, an toàn giao thông. Kiểm soát an toàn giao thông khu vực “điểm đen” và tình trạng đón khách trên đường cao tốc. Tiếp tục hạ quyết tâm trong năm tới để giảm tình trạng tai nạn giao thông đến mức thấp nhất... Đặc biệt, phải hoàn thiện các văn bản pháp luật để có cơ sở cho việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay…