Những ngày ế khách
Những bến xe, trung tâm thương mại vẫn là nơi tập trung của nhiều xe ôm công nghệ, taxi đứng chờ khách. Ghi nhận tại một số bến xe của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa... đã mở cửa hoạt động từ những ngày đầu tiên sau khi nới lỏng việc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, lượng xe khách liên tỉnh, xe buýt chỉ đang duy trì khoảng 30% so với ngày thường với số lượng hành khách bị hạn chế. Nhiều tài xế xe ôm cho biết, tình hình chung của mấy ngày này là… ế vì không có nhiều khách tại các bến xe.
Taxi hoạt động gần Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Hoàng Hiệp
|
Anh Trần Sơn Tùng (29 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) tài xế Grab đón khách ở Bến xe Giáp Bát cho biết, 22 ngày cách ly xã hội vừa qua, tài xế Grabbike bị khóa chức năng vận chuyển khách trên ứng dụng. Do đó, anh Tùng buộc phải tìm cách chuyển qua làm shipper đồ ăn để kiếm sống. “Ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, tôi đã dậy từ sớm để ra bến xe đón khách nhưng mấy hôm nay rất vắng người. Cả ngày hôm nay mới chỉ nổ được 2 cuốc” - anh Tùng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (32 tuổi, quê Nam Định), tài xế Grabbike tại khu vực Bến xe Yên Nghĩa cho hay, thu nhập mấy ngày qua còn ít hơn trong đợt cách ly xã hội. Nguyên do là những ngày đó, xe khách, taxi không hoạt động đã giúp anh “vợt” được những khách đi đường dài. “Có hôm nhận chở một khách chạy từ Hà Nội về TP Thanh Hóa được 800.000 đồng. Trừ tiền xăng xe, ăn uống, cũng bỏ túi được 600.000 đồng. Mấy hôm nay có xe khách chạy nên ế hơn”.
Ngoài xe ôm ế ẩm, cánh tài xế taxi sau nhiều ngày "khóa bánh" được hoạt động trở lại cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Trần Thanh Sơn (trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) tài xế hãng Taxi Mai Linh cho biết, khi TP bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 23/4, anh đã rất vui vì được hoạt động trở lại và đỗ xe chờ khách tại khu vực tòa nhà Keangnam từ sáng sớm. Tuy nhiên, thu nhập cả ngày vừa qua chỉ được 200.000 – 300.000 đồng/ngày, chỉ bằng khoảng 20% so với ngày bình thường.
Hào hứng và hy vọng
Cảnh ế ẩm trong những ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội đã được các tài xế taxi, xe ôm công nghệ dự tính trước. Do đó, hầu hết họ vẫn cảm thấy phấn chấn khi được làm công việc quen thuộc. Anh Trần Thanh Sơn bày tỏ: "Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi gần như chỉ quanh quẩn ở nhà, rất buồn chân buồn tay. Taxi được hoạt động, cùng với việc giá xăng đang rẻ nên hy vọng trong những ngày tới, thu nhập của chúng tôi sẽ được cải thiện”. Còn anh Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, sắp tới, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, lượng người lao động ra Hà Nội sẽ đông hơn. “Hy vọng mấy ngày nữa, chúng tôi sẽ có đông khách như trước” - anh Vĩnh nói.
Nhìn chung trong thời điểm nguy cơ lây lan dịch bệnh còn cao, hầu hết lái xe taxi, xe ôm công nghệ đều tuân thủ việc đeo khẩu trang khi vận chuyển hành khách. Người dân khi sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi hay xe ôm công nghệ cũng rất chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều người nhận định, đây mới là những ngày đầu của việc nới lỏng giãn cách xã hội, việc hạn chế ra đường, tiếp xúc khiến nhiều người dân chưa sử dụng nhiều các dịch vụ như taxi, xe ôm.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, không phát hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng, cùng với đó là sự tăng cường của các tuyến xe khách liên tỉnh, xe buýt… nhiều khả năng lượng người đổ ra đường sẽ đông hơn. Khi đó, công việc của cánh tài xế taxi, xe ôm công nghệ sẽ sớm sôi động trở lại.
"Sau khi dịch vụ vận tải hành khách được TP Hà Nội cho phép hoạt động trở lại, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị taxi phải trang bị cho lái xe dung dịch khử khuẩn, khẩu trang, hướng dẫn cho lái xe mở cửa thông gió. Hiện tại, các lái xe cũng đã hình thành thói quen sau khi khách xuống là dùng khử khuẩn lau các bề mặt của xe. Khách lên xe sẽ đưa dung dịch rửa tay và yêu cầu khách đeo khẩu trang." -Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng
|