Tài xế công nghệ đã trở thành nghề chính của nhiều người.
|
Hành nghề trong lo lắng
Cùng với gánh nặng về cơm áo, tài xế xe ôm công nghệ luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp bị hành hung, cướp của thiệt hại nặng về người và tài sản. Mới đây nhất, vụ việc nam tài xế GrabBike bị đâm 6 nhát, cướp xe máy ở đê sông Đuống (Gia Lâm, Hà Nội) vào rạng sáng 19/7 đã gây rúng động dư luận. Trước đó, năm 2019, một nam sinh 18 tuổi lái xe GrabBike bị sát hại thương tâm cũng đã khiến cộng đồng xôn xao trong thời gian dài. Đứng trước những rủi ro lớn của đồng nghiệp, nhiều tài xế hành nghề trong lo sợ.
Nghề xe ôm công nghệ không bó buộc thời gian, nhận tiền theo cuốc. Công việc này đã trở thành việc làm thêm của nhiều sinh viên. Tranh thủ ngày nghỉ, chạy xe kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ, Trần Trọng H. (sinh viên năm 2 - trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải) chia sẻ: “Trong năm học, hôm nào trống tiết em tranh thủ chạy vài cuốc kiếm tiền phục vụ sinh hoạt. Còn đợt này nghỉ Hè nên ngày nào em cũng chạy. Làm nghề xe ôm đa số ở ngoài đường, thời tiết thì khắc nghiệt, tai nạn, va quệt cũng nhiều. Mấy đứa bạn em đã bị tai nạn, đứa nhẹ thì trầy xước da, nặng cũng gãy tay, gãy chân”.
Nguyễn Tiến C. (20 tuổi, quê Bắc Giang) cũng là một tài xế công nghệ của GoViet. Với em, xe ôm là nghề chính kiếm tiền nuôi cả gia đình. C. làm nghề đã hơn 2 năm, thấy thu nhập ổn định từ 12 - 15 triệu đồng/tháng nên muốn làm lâu dài để lo cho gia đình. Khi trò chuyện, Nguyễn Tiến C. chia sẻ: “Nghề này thu nhập ổn định nhưng cũng cực, trưa Hè nắng nóng hay trời mưa vẫn phải chạy xe ngoài đường. Nhưng tủi nhất là lúc giữa trưa bị “bom” hàng hay bị quỵt tiền, chỉ có đứng khóc. Mới đây, em bị “bom” một đơn, đứng chờ cả buổi chiều người ta không nhận hàng”.
Nâng cao cảnh giác
Thực tế, sau mỗi lần nghe tin có trường hợp tài xế xe ôm công nghệ bị giết, cướp của, các tài xế cũng tự nâng cao cảnh giác hơn, tránh những đối tượng có biểu hiện lạ. Đặc biệt, đối với các nữ tài xế xe ôm công nghệ, lại càng phải cảnh giác cao độ. Chị Trần Thị H. (37 tuổi, quê Phú Xuyên, Hà Nội), chạy GrabBike nói: “Tôi chạy xe đến 7 giờ tối là nghỉ. Những cuốc xe đi xa, đường vắng tôi không dám nhận, chấp nhận ít tiền đi một chút để bảo vệ tính mạng của mình”.
Dù có nguy hiểm, rủi ro là thế song với mức thu nhập tương đối ổn định, không đòi hỏi bằng cấp, nhiều người vẫn gắn bó với nghề. Để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, đại diện một số hãng xe công nghệ khuyến cáo, ngoài việc nâng cao tinh thần cảnh giác khi tiếp cận khách hàng, tài xế không nên nhận khách hàng ngoài app. Theo đại diện của GrabBike, đơn vị này cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho tài xế Grab về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; cách nhận dạng đối tượng phạm tội, cách xử lý các tình huống nhằm tăng khả năng phòng, chống tội phạm, giảm thiểu rủi ro cho đối tác tài xế và khách hàng.