Tăng giá vé máy bay :

Tăng giá vé máy bay: Đừng để người dân phải ngậm ngùi chấp nhận

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau nhiều bức xúc của người dân, mới đây các bên liên quan tới việc tăng giá vé máy bay đều đã đăng đàn lý giải nguyên nhân, khẳng định sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Liệu những nỗ lực đó có đem lại hiệu quả thiết thực hay chỉ là những lời an ủi, khiến người dân dù hoang mang vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận.

Khó khăn là thực tế

Tình trạng giá vé máy bay tăng vọt, nhiều cung đường bay nội địa còn đắt hơn đi nước ngoài thời gian qua đã làm dấy lên nhiều bức xúc trong dư luận Nhân dân cũng như gây thiệt hại đáng kể cho du lịch nội địa.

Bộ GTVT đã ngay lập tức yêu cầu Cục Hàng không thanh tra, rà soát việc tăng giá vé máy bay. Và kết luận được đưa ra là các hãng hàng không không vi phạm quy định nào về giá vé. Vậy nguyên nhân tăng giá vé máy bay là gì(?).

Tang gia ve may bay: Dung de nguoi dan phai ngam ngui chap nhan - Hinh anh 1
Từ đầu năm 2024, tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao liên tục xuất hiện. Ảnh minh hoạ.

Phát biểu tại Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không” ngày 17/5 vừa qua, ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, có nhiều yếu tố khách quan khiến giá vé máy bay tăng. Đầu tiên là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng từ 76 - 77%. Đơn cử với xăng dầu, so với năm 2019, chi phí đã đội lên khoảng 11.000 tỉ đồng với riêng hãng bay này.

Ngoài ra còn phát sinh nhiều vấn đề, chi phí với các hãng bay như: thời gian bảo trì máy bay kéo dài, tăng gấp 2 - 4 lần; chi phí thuê máy bay tăng gấp đôi, và không dễ để thuê được… Thiếu tàu bay, chi phí đầu vào lớn đã khiến các hãng bay phải lần lượt tăng giá vé.

Với ý kiến cho rằng dịch vụ mặt đất đắt đỏ cũng là nguyên nhân khiến chi phí bay, giá vé tăng cao, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không - CTCP lý giải, nhóm giá dịch vụ thu trên mỗi vé theo đúng quy định khoảng 118.000 - 120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ Nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Các mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay.

Cũng tại Hội thảo nêu trên, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Lê Thị Tuyết Nhung cho biết, chỉ có 2 khoản thuế, phí tính trên vé máy bay chứ không phải 20 khoản như một số thông tin đã đưa thời gian qua. “Cục Quản lý giá cam kết phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về quản lý giá đối với ngành hàng không để làm thế nào quản lý giá vé máy bay minh bạch, công khai” - bà Lê Thị Tuyết Nhung nói.

Có thể thấy, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến giá vé máy bay tăng cao là do sự điều chỉnh từ phía các hãng bay. Tuy nhiên, dựa trên những khó khăn thực tế mà nhiều hãng bay bày tỏ, người dân hoàn toàn có thể chia sẻ, cảm thông. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để ổn định giá vé máy bay, vừa gỡ khó cho DN, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, tạo động lực cho du lịch phát triển(?).

Nhiều hãng du lịch đã phải tăng giá tour, hoặc chịu thiệt hại từ “cú sốc” tăng giá vé máy bay thời gian qua do chi phí đi lại chiếm khoảng 50% tổng chi tiêu cho các chuyến du lịch nội địa. Còn người dân đã phải chọn loại hình di chuyển khác, hoặc không dám đi du lịch, thậm chí bay đường vòng ra nước ngoài để đến điểm nội địa nhằm tiết kiệm chi phí.

Liên quan đến thực trạng này, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm cho biết, từ các hãng bay cho đến cơ quan quản lý Nhà nước không thờ ơ với khách hàng, xã hội và sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để tìm cách tiếp tục hạ nhiệt giá vé máy bay.

Tuy nhiên, thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định: “Cùng với những biến động cả trong và ngoài nước, việc phải tăng giá vé máy bay là khó tránh khỏi. Nhưng tạo thành “cú sốc” với người dân, làm ảnh hưởng đến du lịch như thời gian qua là rất bất cập, cho thấy vai trò chưa rõ nét của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không, du lịch”.  

Giải pháp là gì?

Bàn về giải pháp hạ nhiệt giá vé máy bay, nhiều chuyên cho rằng, phải bắt đầu tư cơ quan quản lý Nhà nước. Với vai trò và trách nhiệm của mình, các bộ: GTVT, Tài chính… phải có sự hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho DN hàng không; đồng thời yêu cầu hãng bay phải đưa ra nhiều chương trình, khung giá vé phù hợp với hành khách, siết quản lý với các dịch vụ phụ trợ liên quan đến vé máy bay.

Phát biểu tại Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không”, Phó Tổng giám đốc thương mại Vietjet Nguyễn Bác Toán cho rằng, để giảm giá vé về mức hợp lý đầu tiên cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không, từ đó tần suất, cũng như năng lực vận hành khai thác. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, nhất là với hoạt động nhập khẩu xăng dầu và tổ chức các chuyến bay đêm để giảm gánh nặng cho các hãng hàng không, đồng thời khuyến khích người dân lựa chọn bay vào các khung giờ thấp điểm với giá vé rẻ.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Trương Việt Cường nói: “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Giải pháp để có giá vé máy bay rẻ khi bay đêm cũng cần có sự hỗ trợ về thuế phí”.

Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm chia sẻ, trong cơ cấu chi tiêu du lịch hiện nay, chi phí vận chuyển chiếm tới 30 - 35%, thậm chí tới hơn 50%. Nhưng xu hướng trên toàn cầu là hình thành mặt bằng giá mới nên ngành du lịch phải thích ứng với bối cảnh này. Vị lãnh đạo Cục Hàng không đề nghị các hãng du lịch cần có chương trình phù hợp với giờ bay đêm để có giá vé máy bay hợp lý hơn; tránh tập trung một vài điểm đến tại thời điểm cao điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc các hãng hàng không, du lịch, cơ quan quản lý Nhà nước ngồi lại với nhau để bàn về việc “hạ nhiệt” giá vé máy bay là tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên các giải pháp phải được hiện thực hóa thành hành động cụ thể, đừng để người dân cảm thấy đó chỉ là lời an ủi giữa tình cảnh phải ngậm ngùi chấp nhận giá vé máy bay tăng cao.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói: “Những lúc như thế này người dân và cả DN rất cần bàn tay của quản lý Nhà nước, vừa điều tiết, tháo gỡ khó khăn, vừa giữ vững sự ổn định để hài hòa lợi ích các bên chứ không chỉ là kết luận ai đúng, ai sai”.

Việc điều chỉnh thuế, phí nhằm giảm giá vé máy bay là có thể nhưng không đáng kể. Vấn đề mấu chốt để giải quyết bền vững câu chuyện này là quy hoạch phát triển tổng thể các loại hình phương tiện. Ngành hàng không là dịch vụ công cộng, cũng như các ngành vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy… phải nằm trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch

Minh Tường

Tin liên quan