Tăng nặng mức phạt giao thông: Thuốc đắng dã tật

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc quản lý và bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất là việc tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là những hành vi cố ý gây nguy hiểm cao độ như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lái xe quá tốc độ và vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Việc tăng nặng mức xử phạt đã tạo ra một tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chỉ trong ngày thứ 3 của năm 2025 (ngày 3/1), lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra và xử lý 12.588 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước 32 tỷ 544 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 58 xe ô tô, 3.462 xe mô tô và tước 1.556 giấy phép lái xe.

Đối với người tham gia giao thông, mức phạt nặng đã khiến nhiều người biết sợ, không dám vi phạm hoặc tái phạm. Thậm chí cả triệu người “đi bão” ở Thủ đô sau trận Việt Nam thắng Thái Lan trên sân nhà đêm 2/1 vừa qua cũng tuân thủ quy tắc tham gia giao thông.

Rồi những ngày qua, tại một số tuyến đường có mật độ phương tiện cao như Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng,... dù còn ùn ứ nhưng đã chấm dứt tình trạng người dân chen lấn, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ.

Có thể thấy, với mức phạt tăng nặng từ vài lần đến vài chục lần so với quy định cũ đã tạo ra một rào cản đáng kể về kinh tế đối với những người có ý định vi phạm luật giao thông. Việc phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn, thậm chí bị tước giấy phép lái xe, đã khiến nhiều người cân nhắc kỹ hơn trước khi có hành vi vi phạm. Điều này dẫn đến sự thay đổi rõ rệt trong ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.

Khi mới áp dụng luật, nhiều người tuân thủ nghiêm vì sợ bị phạt, nhưng dần việc này sẽ trở thành thói quen (tương tự như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây), từ đó nhiều người nhận thấy rằng việc tuân thủ luật lệ giao thông không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần tạo nên một môi trường giao thông văn minh, an toàn cho cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu này, còn một số thách thức cần được giải quyết. Ví như vấn đề lỗi hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở một số ngã tư vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát và sửa chữa để tránh gây nhầm lẫn cho người tham gia giao thông.

Rồi đến việc áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe cũng đòi hỏi sự minh bạch và công bằng trong quá trình thực thi. Người dân cần được hướng dẫn rõ ràng về cách thức tính điểm và quy trình khiếu nại nếu có bất đồng về việc trừ điểm.

Dẫu vẫn còn một vài vấn đề cần căn chỉnh hoàn thiện về khung pháp lý, cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng với những kết quả tích cực đã đạt được trong mấy ngày gần đây cho thấy, việc áp dụng tăng mức phạt nặng đối với hành vi vi phạm đèn tín hiệu giao thông được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự thay đổi nhận thức của người dân và sự đầu tư đúng mức, thì mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông văn minh, an toàn mới có thể đạt được. Việc này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Sự thành công này có thể nhân rộng và áp dụng cho các hành vi vi phạm khác, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Thuần Hưng

Tin liên quan