Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa (trần vé máy bay) theo ý kiến đề nghị của các hãng hàng không. Theo lý giải của Cục Hàng không Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ổn định giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội là cần thiết. Cục Hàng không Việt Nam e ngại nếu tăng trần giá vé máy bay lúc này sẽ ảnh hưởng đến giá vé máy bay nội địa.
Động thái bất ngờ của Cục Hàng không
Trên thực tế, cách đây không lâu, vào đầu tháng 3/2020, Cục Hàng không Việt Nam chính là đơn vị chủ động có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014 với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.
Hành khách làm thủ tục tại quầy vé của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Công Hùng
|
Vào thời điểm đó, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là ủng hộ việc tăng giá dịch vụ vận chuyển hàng không nhưng lập luận đưa ra khá khó hiểu. Cơ quan này cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến vận tải hàng không, khiến giá nhiên liệu Jet A1 giảm nhưng thực tế đã chứng minh trong giai đoạn thị trường phát triển ổn định (đơn cử là khi chưa có dịch Covid-19) giá nhiên liệu cơ bản có xu hướng tăng cao. Do đó, theo Cục Hàng không Việt Nam, việc xây dựng chính sách cần xem xét xu hướng tăng trở lại của giá nhiên liệu bay khi thị trường dần hồi phục.
Ngoài ra, một lý do không thể không nhắc tới mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra để lý giải cho đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không chính là tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới lĩnh vực này như: Sản lượng hành khách, hệ số ghế sử dụng và doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng; chi phí bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chi phí sân đậu tàu bay… tăng cao khiến chi phí trên mỗi chuyến bay và trên hành khách tăng cao.
Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã bất ngờ thay đổi quan điểm khi đề xuất tạm thời chưa xem xét điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa để bảo đảm ổn định giá cả, hạn chế tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Động thái mới của Cục Hàng không Việt Nam đương nhiên là không làm hài lòng các hãng bay, trong đó tiêu biểu nhất là Vietnam Airlines - hãng bay không ít lần đưa ra đề xuất điều chỉnh giá trần máy bay trong nhiều năm qua. Năm 2014, Vietnam Airlines đưa ra đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nhưng không được chấp thuận.
Gần đây nhất, trong phiên thảo luận chuyên đề “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch” tại Hội nghị cấp cao du lịch Việt Nam diễn ra vào ngày 9/12/2019, ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines một lần nữa nhắc lại đề xuất này.
Ông Hà gọi giá trần vé máy bay chính là “điểm nghẽn về cơ chế cần giải quyết” và việc bỏ trần vé máy bay “sẽ giúp để bản thân các hãng hàng không Việt Nam có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn. “Việc này sẽ giúp Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, nâng cấp chất lượng dịch vụ cho đối tượng khách hàng có nhu cầu dịch vụ cao, có thêm các mức giá rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích khách đi máy bay” - ông Hà nói.
Dồn khó khăn lên “thượng đế” là tự hại mình
Quan điểm của lãnh đạo Vietnam Airlines không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, tăng mức trần vé máy bay lúc này là chưa phù hợp và hoàn toàn có thể gây ra những tác động tiêu cực đến chính các hãng bay. “Động thái muốn tăng trần vé máy bay của Vietnam Airlines cho thấy ý đồ rõ ràng của họ là muốn tăng vé máy bay sau thời gian khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19” - ông Long nói.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế này, việc các hãng bay bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua là điều không thể phủ nhận. Do đó, việc họ có muốn tăng giá vé máy bay để tăng thêm lợi nhuận, sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất có thể hiểu và thông cảm. Thế nhưng, giải pháp nhằm đến trần giá vé máy bay vào lúc này không đúng thời điểm.
“Khó khăn là đương nhiên, song hàng không cũng như nhiều lĩnh vực vận tải hành khách khác đang được thừa hưởng một sự thuận lợi không nhỏ là giá xăng dầu trên thế giới và trong nước đang ở mức rất thấp. Ngoài ra, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN hàng không, từ chính sách tài chính đến chính sách tiền tệ đều đã có. Đây là những ưu đãi không nhỏ trong bối cảnh cả xã hội và nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19” - ông Long phân tích.
Nhìn nhận vấn đề trên quan điểm quy luật kinh tế thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, các hãng hàng không phải thấy rằng, không chỉ họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 mà toàn xã hội đều phải hứng chịu. Dịch bệnh tạm thời đi qua nhưng cũng kịp khiến túi tiền của người dân cạn kiệt, hàng hóa giảm sức tiêu thụ. Cho nên, các DN đang đề nghị và đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách khuyến mãi để kích cầu, khuyến khích người mua. Đây là quy luật vô cùng quan trọng trong kinh doanh.
Khi thu nhập của người lao động giảm thì cũng đồng nghĩa với túi tiền những “thượng đế” eo hẹp. Dù là kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào, từ bán hàng tạp hóa cho đến bán vé máy bay, tất cả phải nằm lòng nguyên tắc vàng này. DN muốn tồn tại và phát triển thì phải biết quan tâm, chăm sóc khách hàng. Bởi chỉ khi “thượng đế” sống khỏe tất nhiên các DN mới có thể sống khỏe.
“Thu nhập của người dân đang giảm mà DN lại tăng giá sẽ khiến khả năng thanh toán của người dân càng thấp đi. Khi họ không có khả năng chi trả, họ không mua hàng của anh nữa, không sử dụng sản phẩm của anh nữa thì anh bán cho ai? Như thế là tự hại mình” - ông Long nhận định và cho rằng, việc của các hãng bay lúc này không phải là nhăm nhe tăng giá vé để sớm thu hồi vốn mà phải bình tĩnh khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh từng bước một. Đấy mới là con đường vượt qua khủng hoảng, vượt qua dịch bệnh một cách bền vững.
"Không nên bỏ khung trần giá vé trên các đường bay nội địa, vì đây là ngành dịch vụ mà người bán chiếm số lượng rất ít nên chưa thể thả việc tự điều tiết cho thị trường. Hơn nữa, mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp nên vẫn cần vai trò của Nhà nước điều tiết. Đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 vừa đi qua, đời sống người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn." -Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
"Hiện nay, trên thị trường chỉ có một mình VNA định hình phân khúc khách cao cấp và vẫn là DN chiếm thị phần cao nhất, gần như một dạng độc quyền tương đối. Bỏ trần giá vé, có lợi lớn nhất là VNA, các hãng khác có chăng hưởng lợi theo, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt." -Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển
|