Taxi “chặt chém” khách nước ngoài: Đừng chỉ trấn an

 
Chia sẻ

Để giải quyết tình trạng taxi “chặt chém”, “bắt chẹt” khách du lịch ngoại quốc, nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng dường như vẫn thiếu một giải pháp để xử lý triệt để.

Mới đây, một vị khách nước ngoài đã bị “chặt chém” 960.000 đồng cho quãng đường 6km ngay trung tâm Hà Nội. Tình trạng taxi “chặt chém”, “bắt chẹt” khách du lịch ngoại quốc liên tiếp xảy ra thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt đô thị và du lịch đất nước, trong khi cơ quan chức năng vẫn chỉ chạy theo xử lý chứ chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, còn doanh nghiệp taxi thì kêu khó vì thiếu công cụ giám sát giao dịch giữa lái xe và khách hàng. 

Taxi “chat chem” khach nuoc ngoai: Dung chi tran an  - Hinh anh 1
Hình ảnh vị khách nước ngoài phản ánh sau khi bị "chặt chém" được đăng tải trên mạng xã hội

Thực tế hoạt động của taxi trên địa bàn các thành phố lớn thời gian qua cho thấy, một số taxi “dù”, taxi giả đang hoạt động trở lại với thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi hơn như nhái logo, nhãn mác, số điện thoại của các hãng taxi khác và xuất hiện các hành vi gian lận, đánh tráo tiền, trấn áp, hăm dọa du khách quốc tế.

Điểm chung ở các vụ việc taxi “chặt chém”, “bắt chẹt” hành khách là các tài xế ngoài phương thức ép giá thẳng thì họ còn áp dụng tiểu xảo chở khách lòng vòng để tăng thêm tiền cước, nhiều trường hợp sử dụng đồng hồ tính cước phí không chính xác. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là du khách, ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh, thân thiện, uy tín của Thành phố và trực tiếp tác động xấu đến ngành du lịch.

Một du khách tại Hà Nội chia sẻ: “Nếu nó chặt chém rồi thì phải chịu thôi. Mình trả tiền rồi đi về thôi, cũng chả giải quyết được gì. Vì mình giải quyết tại chỗ thì cũng gây nhiều mâu thuẫn. Mình đành chịu thiệt, không gọi đường dây nóng ngay được vì không đủ thời gian”.

Liên quan đến vấn đề này, một đơn vị quản lý taxi cho biết, hiện việc ngăn tài xế có những hành động “bắt chẹt” khách rất khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu công cụ giám sát những giao dịch giữa lái xe và khách hàng. Nói cách khác, ngoài biện pháp giáo dục ý thức cho các tài xế và tích cực tiếp nhận phản ánh của khách hàng thì đơn vị quản lý cũng hoàn toàn “bị động” nếu tình huống lái xe ép giá khách chẳng may xảy ra.  

Taxi “chat chem” khach nuoc ngoai: Dung chi tran an  - Hinh anh 2
Taxi dù sử dụng logo dính bằng nam châm - Ảnh: Tuổi trẻ

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Hãng taxi G7 cho biết: “Chúng tôi biết nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi lái xe taxi “dù” không có đơn vị quản lý nên thu giá cước sai lệch, thậm chí sai lệch đến vài chục lần với du khách nước ngoài hoặc với du khách ngoài tỉnh vào Hà Nội thăm quan, du lịch. Các đơn vị taxi truyền thống đều lên án việc đó và với cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi kiến nghị tập trung xử lý taxi dù để tránh ảnh hưởng tới thị trường taxi”.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những trường hợp “chặt chém” hành khách, sau khi phản ánh đều được các hãng trong Hiệp hội xử lý nghiêm. Ông Hùng cũng chỉ ra một thực trạng là, bên cạnh xe của các hãng taxi ở Hà Nội thì vẫn có một lượng lớn taxi ngoại tỉnh “lách luật” để hoạt động và vi phạm.

“Xảy ra tình trạng này vì cơ quan quản lý Nhà nước không thể quản lý hết được taxi, đặc biệt các taxi làm nhái, xin phù hiệu ở các tỉnh khác rồi chạy vào Hà Nội gây ra tình trạng hỗn loạn. Hiệp hội Taxi Hà Nội bị ảnh hưởng uy tín bởi những xe không đăng ký hoạt động ở các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Nội mà lại ở các tỉnh thành khác rồi đưa xe về Hà Nội hoạt động làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ”.

Liên quan đến công tác quản lý và xử lý các trường hợp taxi “chặt chém”, “bắt chẹt” du khách, lực lượng thanh tra giao thông vận tải Hà Nội thừa nhận, hiện nay hoạt động taxi đang trở nên khó quản lý, đặc biệt, đang tồn tại rất nhiều taxi “dù” và taxi đăng ký kinh doanh ngoại tỉnh, nhưng “lách luật” hoạt động tại Hà Nội.

Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cam kết, lực lượng chức năng không chỉ đẩy nhanh tốc độ xử lý, trả lại, bồi thường thiệt hại cho du khách bị “chặt chém”, mà còn xây dựng các kế hoạch tuyên truyền và ngăn chặn những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thành phố.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi đã xây dựng phương án để tăng cường kiểm tra điều kiện phương tiện, điều kiện người lái. Các đội thanh tra GTVT sẽ chủ động kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe taxi, đặc biệt là đối với hành vi sử dụng phương tiện không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, có hành vi chặt chém hành khách nói chung và khách nước ngoài nói riêng”.

Taxi “chat chem” khach nuoc ngoai: Dung chi tran an  - Hinh anh 3
Cần mạnh tay với taxi dù. Ảnh: Báo Giao thông

Theo PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Tổng cục Du lịch, việc taxi tăng giá “chặt chém” du khách không phải chuyện mới, khiến những người làm du lịch rất trăn trở. Bởi hành động này thường diễn ra khá nhanh, không có chứng cứ; chưa kể một số du khách nước ngoài vì không hiểu tiếng Việt và không muốn rắc rối nên đã cho qua, không trình báo nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý…

Và chính những hành động không đẹp này là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước - con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; gây tâm lý lo lắng và cảm giác không an toàn cho du khách khi đến du lịch.

PGS, TS Phạm Trung Lương kiến nghị, thời gian tới các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những vi phạm này: “Hành vi này không phải là mới, nó đã diễn ra nhiều lần trong nhiều năm nay. Nó không mới nhưng luôn thời sự bởi nhận thức, ý thức của những người thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch như lái xe taxi rất khó thay đổi, không thể bằng tuyên truyền mà phải bằng những hành động cụ thể như phạt thật nặng đối với những trường như thế để có tính răn đe”.

Đừng chỉ trấn an

Nhiều năm qua, những chiếc taxi “dù” kinh doanh chộp giật, ngang nhiên “chặt chém” hành khách, tùy tiện dừng đỗ đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và ngành du lịch. Để giải quyết tình trạng này, nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng dường như vẫn thiếu một giải pháp để xử lý triệt để. 

“Taxi nhái”, taxi “dù” được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chặt chém” giá cước taxi trong thời gian qua ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Đa phần các vụ việc ngay khi được phát hiện, đều được cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm với các mức phạt “thẳng tay”. Nhưng vì sao tình trạng này vẫn cứ xảy ra, nay chỗ này, mai chỗ khác?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, sự vào cuộc khẩn trương và các mức phạt nghiêm khắc cho tài xế hoặc cả doanh nghiệp liên quan trong mỗi vụ “chặt chém” giá cước taxi là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các chính quyền địa phương trong việc giữ gìn hình ảnh du lịch và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhưng có vẻ như, cách xử lý hiện nay đang hướng đến việc “trấn an” dư luận, xoa dịu du khách nhiều hơn là ngăn chặn vấn nạn này.

Taxi “dù” là chuyện hoàn toàn không mới. Với sự phát triển nở rộ trong suốt nhiều năm, thị trường taxi Hà Nội đã chứng kiến sự góp mặt của gần trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, số đầu xe hàng ngàn cũng có, mà chỉ vài chục xe cũng có.

Con số khoảng 20 nghìn taxi đang hoạt động mặc dù vẫn được Hà Nội coi là nằm trong tầm kiểm soát, phù hợp đề án taxi đã được thành phố phê duyệt, nhưng trên thực tế, sự quản lý giám sát chưa theo kịp với tình hình, đã để lộ những kẻ hở , làm xuất hiện tình trạng bát nháo trong hoạt động kinh doanh chở khách này.

Từ tình trạng “nhái” phù hiệu, đến taxi “dù”, và đặc biệt “dù” từ chính doanh nghiệp mà ra, dưới hình thức chỉ cho thuê “mào”, còn lái xe tự làm tự chịu. Và một khi tài xế hoạt động theo kiểu tự do, không có chút ràng buộc nào về trách nhiệm với doanh nghiệp vận tải, thì nạn “chặt chém” giá cước chỉ là một trong những hậu quả có thể xảy ra, đã được nhìn thấy trước.

Vậy nhưng, số lượng taxi “dù” bị xử lý thường chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn trong số các vi phạm về kinh doanh vận tải được báo cáo định kỳ.  Và sau những vụ “chặt chém” cước nổi lên, thì các biện pháp ngăn chặn taxi “dù” gần như cũng chưa có gì chuyển biến. Điều đó phần nào cho thấy, mức độ chủ động hoặc sự ưu tiên của cơ quan chức năng cho vấn đề đẩy lùi nạn taxi “dù” vẫn còn khá mờ nhạt.

Trong khi đó, dự kiến “phân vùng” quản lý taxi, hay thiết lập một trung tâm điều hành taxi chung của Hà Nội như cách mà nhiều đô thị tiên tiến đã làm, thì vẫn còn là kế hoạch dài hơi. Các số điện thoại tiếp nhận phản ánh “nóng” của người dân, du khách về tình trạng “chặt chém”, mặc dù đã được công khai, nhưng chưa nhiều người biết đến, hoặc khi gọi thì không có người trực máy.

Và du khách đôi khi cũng chưa nhận được đầy đủ khuyến cáo về các rủi ro này từ các hãng lữ hành, hay khi tìm kiếm thông tin về dịch vụ đi lại ở nhà ga, bến xe, sân bay.

“Nhất độ thất tín, vạn sự bất tin”. Sau mỗi vụ bị “chặt chém” cước taxi, cơ quan chức năng vào cuộc dù khẩn trương đến đâu, giúp du khách lấy lại được tiền, giải quyết được sự bức xúc, nhưng niềm tin và ấn tượng tốt đẹp bước đầu đã không còn. Những sự phiền toái, mất thời gian, những cảm xúc tiêu cực họ đã trải qua… gần như không thể lấy lại.

Vậy nên, thay vì chỉ vào cuộc rốt ráo trong từng sự vụ, điều quan trọng hơn hết, là những nỗ lực thường xuyên, có hiệu quả để dẹp taxi “dù”, xây dựng môi trường kinh doanh dịch vụ taxi văn minh, quy củ. Và những mong muốn kêu gọi sự tham gia phát hiện, tố giác từ phía người dân đối với các hành vi này – nếu có, cũng cần được làm một cách thực chất, thay vì chỉ công bố một vài số điện thoại vu vơ.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h