|
Đoạn đường trong khu Ngoại giao đoàn nối Phạm Văn Đồng với đường Võ Chí Công. Ảnh: Phạm Hùng |
Ngô Minh Dương là ai?
Trước đó, trong nhóm cư dân Ngoại giao đoàn Hà Nội - nơi có tuyến đường mới này -xuất hiện bài viết “Chuyện thật như bịa về tên một con đường giữa Thủ đô” của tài khoản Facebook có tên Do Mino. Theo người này: “Ngô Minh Dương - tên con đường 60m với 10 làn xe thênh thang chạy ngang qua khu đô thị Ngoại giao đoàn - Star Lake, kết nối đường Vành đai 3 Phạm Văn Đồng với đường Vành đai 2 Võ Chí Công”. Đoạn đường này đã dược dự án khu đô thị Tây Hồ Tây thi công và đưa vào sử dụng năm 2018. Tấm biển mang tên đường được dựng theo đúng mẫu biển các tên đường phố của Hà Nội. Nhiều người dân nơi đây bắt đầu quen với tên gọi của con đường như một sự xuất hiện chính thống. Bởi vì, trên google maps - phương tiện tìm kiếm tên đường trên mạng cũng đã định vị tên đường Ngô Minh Dương.
Theo báo cáo của UBND phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm), từ tháng 4/2019 đã thấy xuất hiện tên đường trên. Ngoài ra, theo công văn do Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo Đỗ Thị Hương Trà báo cáo: Cho đến thời điểm này, TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền chưa quyết định, thông báo về việc đặt tên đường cho khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây thuộc địa bàn phường Xuân Tảo. Chính vì vậy, UBND phường Xuân Tảo đã đề nghị đơn vị dự án tháo dỡ các tấm biển tên đường trên. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đến ngày 29/7, khu vực dự án Ngoại giao đoàn và dự án khu đô thị Tây Hồ Tây không còn tấm biển tên đường nào mang tên Ngô Minh Dương.
Cho đến lúc này, các cơ quan có liên quan cũng chưa có báo cáo xác định được tấm biển tên đường Ngô Minh Dương trên do ai dựng nên. Ngô Minh Dương là ai, cũng không ai biết. Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: Ngô Minh Dương là nhân vật không rõ lai lịch, không có tên trong ngân hàng tên đường, phố Hà Nội và chưa có trong các Quyết định đặt tên đường phố của TP Hà Nội. Cư dân trên mạng cho rằng, Ngô Minh Dương là cái tên ai đó tự nghĩ, tự đặt và bỗng trở thành tên gọi con đường trong vài tháng ở Hà Nội.
Đặt tên phải có quy trình
Còn nhớ, năm 2015, tại một đoạn phố vuông góc với đường Hàm Nghi thuộc quận Nam Từ Liêm cũng được đặt tên đường Ướp lạnh. Nhiều người giải thích đó là tên gọi dân gian của người dân khu vực này. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cuối con đường có nhà máy ướp lạnh, nên dân tự dựng biển cho phố có tên. Dẫu ý nghĩa của tên gọi đó ra sao, thì việc tự tiện dựng biển, đặt tên đã không được chấp thuận.
Mỗi năm, Hà Nội sẽ tổ chức một lần đặt và đổi tên đường phố cho các tuyến phố mới, các tuyến phố điều chỉnh địa giới. Việc đặt tên phải do UBND các quận, huyện đề xuất lên Sở VH&TT Hà Nội, trình Hội đồng khoa học đặt và đổi tên đường phố cấp TP lựa chọn từng tên gọi phù hợp trong ngân hàng tên đường đã xây dựng trước đó. Sau đó, Sở VH&TT Hà Nội làm tờ trình xin ý kiến của UBND TP và trình HĐND TP xem xét, cho biểu quyết trong các kỳ họp.
Với người yêu Hà Nội, tên đường, tên phố không chỉ gợi nhớ những địa danh mang tính điểm đến mà còn là nét văn hóa và cả chiều dài lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Các đường phố ở Thủ đô ngày nay được đặt tên không phải tùy tiện, ngẫu hứng, mà phần lớn tuân theo một quy tắc đã có từ năm 1945. Chính vì vậy, không bao giờ tên đường phố được phép đặt hoặc lựa chọn một cách tự phát.