Tháo vướng mắc trong hạ tầng xe buýt thủ đô

 
Chia sẻ

Do hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến xe buýt chưa phát huy hết được ưu điểm, giảm tính hấp dẫn với người dân thủ đô.

Năm 2019, Sở Giao thông vận tải Hà Nội dự kiến tiếp tục mở mới 21 tuyến xe buýt, trong đó có 4 tuyến buýt đăng ký khai thác bằng phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch (khí CNG), 14 tuyến mở rộng khai thác tại các huyện ngoại thành, 3 tuyến buýt nhằm tăng khả năng tiếp cận xe buýt của hành khách trong khu vực nội đô, thu gom khách từ khu dân cư, khu đô thị ra các trục chính trong các quận nội thành.

Việc mở mới các tuyến xe buýt và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xe buýt góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân trong nội đô, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, chi phí xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng giao thông dành cho xe buýt còn chưa đầy đủ, đồng bộ và ổn đinh, thiếu quỹ đất cho điểm đầu cuối, điểm trung chuyển hay làn đường xe buýt… khiến xe buýt gặp khó, không phát huy được hết năng lực khai thác.

Thao vuong mac trong ha tang xe buyt thu do - Hinh anh 1
Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên. Ảnh: KTĐT

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), hiện nay toàn thành phố có 5 điểm trung chuyển nhưng thực chất các điểm trung chuyển này chỉ có nhiệm vụ đảm bảo kết nối còn các tiện ích cần thiết khác thì không có.

“Nó chỉ là những điểm để đảm bảo kết nối thôi còn tất cả những thông tin và các tiện ích khác kèm theo để thực sự là một điểm trung chuyển thì chúng ta còn rất thiếu. Ví dụ như điểm trông giữ xe đạp cá nhân cho hành khách. Hiện nay, cả mạng lưới các tuyến của xe buýt Hà Nội nhưng số điểm có thể bố trí điểm trông giữ xe cá nhân cho hành khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và điều này cũng hạn chế cho việc đảm bảo tính tiện lợi cho hành khách”.

Bên cạnh đó, phần lớn các điểm đầu cuối hiện nằm trên các đường giao thông chưa ổn định, không đảm bảo an toàn cho xe buýt hoạt động và người tham gia giao thông. Đáng chú ý là ngay cả các khu đô thị mới phần lớn đều chưa quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ xe buýt, đặc biệt không bố trí quỹ đất để xây dựng các điểm đầu cuối xe buýt.

Các khu đô thị đã có xe buýt vào đón khách như: Times City, Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Trung Hòa - Nhân Chính, Đặng Xá, Mỹ Đình... toàn bộ các điểm đầu cuối xe buýt được bố trí ngay tại lòng đường; các điểm dừng có nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, thậm chí có những khu đô thị không có địa điểm để xe buýt dừng đỗ đón trả khách.

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội nêu ý kiến:

“Hiện nay như các số liệu chỉ ra thì hơn 100 tuyến xe buýt tại Hà Nội có gần 90% các điểm đầu cuối toàn bộ là các điểm dừng ở trên đường và không phù hợp, tức là không phải là điểm để hành khách có thể chờ xe an toàn, thứ hai là hành khách có thể gửi phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng. Đây là vấn đề mà về mặt quy hoạch, Sở GTVT và thành phố cần lưu ý. Tôi nghĩ rằng đây là tiền đề hết sức quan trọng để triển khai, để đảm bảo phục vụ cho hoạt động chung của hệ thống GTCC”.

Thao vuong mac trong ha tang xe buyt thu do - Hinh anh 2
Việc lưu thông chung với các phương tiện giao thông cá nhân, bị lấn làn đường… đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất hoạt động của xe buýt


Bên cạnh đó, việc lưu thông chung với các phương tiện giao thông cá nhân, bị lấn làn đường… đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất hoạt động của xe buýt. Một trong những yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ của xe buýt là thời gian thực hiện chuyến đi, thế nhưng, theo thống kê, xe buýt Hà Nội có tỷ lệ chậm chuyến từ 10 – 20 phút/lượt, chiếm tới 50 – 60%/ tổng số chuyến. Sở dĩ như vậy là bởi Hà Nội đang quá thiếu làn đường riêng cho xe buýt, là nguyên nhân trực tiếp khiến tốc độ lưu thông của loại hình này bị hạn chế nghiêm trọng.

Năm 2008 – 2013, Hà Nội có 5,3 km đường ưu tiên cho xe buýt trên trục Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, nhưng năm 2014 đã bị loại bỏ do quá trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Hiện nay, Hà Nội duy nhất chỉ có 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt tại Khu vực trung chuyển xe buýt Long Biên trên đường Yên Phụ trên tổng số 500 km đường giao thông của Thủ đô.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội bày tỏ việc bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt là rất cần thiết. Khi được đi trên làn đường riêng, xe buýt sẽ tách ra khỏi giao thông chung, tạo ra sự vận hành thông thoáng hơn, thuận tiện hơn, rút ngắn được thời gian đi lại, đảm bảo giờ giấc tốt hơn. Tuy nhiên, hiện việc phát triển hạ tầng này ở khu vực Hà Nội cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.

“Những người sử dụng xe buýt thì ủng hộ, mà những người không đi xe buýt thì phản đối. Khi phải chia sẻ 1 làn đường cho xe buýt mà người ta chưa nhìn thây độ hấp dẫn và tin cậy như thế nào thì sự ủng hộ chưa được cao”.

Theo khảo sát của Viện Chiến lược, hiện có tới hơn 80% người dân Hà Nội hiếm khi hoặc chưa bao giờ sử dụng xe buýt. Thực trạng đó cũng dễ hiểu đối với một thành phố hơn 7,5 triệu dân, mà có tới hơn 5,5 triệu xe cá nhân.

Với những bất cập còn tồn tại, rất khó để khiến người dân sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân và lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển chính.

Để có một hệ thống xe buýt hữu quả, thực sự hấp dẫn, bên cạnh việc tăng cường quản lý hạ tầng, bổ sung những hạng mục hạ tầng còn thiếu, tháo gỡ những bất cập còn tồn tại thì chính quyền cần các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân ủng hộ, tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng giao thông Thủ đô.

VOV Giao thông

Tin liên quan