Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ::

Thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao văn hóa giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho thấy tính áp dụng trên thực tế cao, đảm bảo tính phổ quát, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Sau thời gian ngắn được triển khai đã cho thấy những tín hiệu tích cực, tính hiệu quả của luật này.

Phù hợp với thực tế

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên nhiều tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thay doi nhan thuc, hanh vi, nang cao van hoa giao thong - Hinh anh 1
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nhanh chóng được phổ cập đến từng cơ quan, từng gia đình, qua đó đã làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội trong việc tham gia giao thông.

Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại những đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Việc đó cũng đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm….

Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật Sư Phạm Thanh Hải – Trưởng văn phòng Luật Hải Thanh cho rằng, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Đồng thời, đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

“Đại diện các bộ, ngành liên quan đã cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án luật này. Việc tiếp thu tối đa cũng đã tạo ra Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hoàn thiện nhất, công khai, minh bạch, có tính áp dụng trên thực tế cao, đảm bảo tính phổ quát, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam” – luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.

Chuyển biến tích cực

Sau hơn 1 tháng được thực thi, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã làm thay đổi, chuyển biến tích cực về ý thức tham gia giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tai nạn, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong 1 tháng Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 917 người chết và 1.163 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 26,29% về số vụ, giảm 1,72% về số người chết, giảm 37,71% số người bị thương; so với thời gian trước liền kề, giảm 18,25% số vụ, giảm 9,83% số người chết, giảm 20,12% số người bị thương.

Trong công tác xử lý vi phạm, khoảng thời gian trên, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 327.349 trường hợp vi phạm (so với thời gian trước liền kề giảm 48.160 trường hợp, giảm 12,8%), phạt 917 tỷ đồng; tước quyền sử dụng 27.820 giấy phép lái xe các loại, trừ điểm 28.762 giấy phép lái xe; tạm giữ 1.823 ô tô, 93.766 mô tô. Từ những số liệu cho thấy, ý thức chấp hành của người dân đã được nâng cao và tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng CSGT.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, bằng sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ban, ngành và địa phương, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nhanh chóng được phổ cập đến từng cơ quan, từng gia đình, qua đó đã làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội trong việc tham gia giao thông.

“Ngay khi được Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực, có thể nhận thấy, bước đầu người dân đã tham gia giao thông trong môi trường trật tự hơn, an toàn hơn, dần hình thành văn hóa giao thông lành mạnh, văn minh. Qua đó thể hiện việc bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; bảo vệ quyền con người; bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, đã xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; đáp ứng yêu cầu bảo đảm tốt an ninh trật tự và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” – thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Phạm Công

Tin liên quan

https://portal.adbro.me/publishers/0fb2a970-b322-45d8-8ab2-530540d840b4/sites/57721325-de31-4891-b821-00d0d5d4883b/codes/