|
Hiện trường vụ xe buýt mất phanh tông hàng loạt xe dừng chờ đèn đỏ ngày 13/11. Ảnh: Trần Kha |
Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia thì 10 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6318 người, bị thương 10.873 người, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018. Mỗi ngày tai nạn giao thông gây thiệt hại từ 350 đến 500 tỷ đồng cho nước ta.
Còn trên phạm vi thế giới, cứ mỗi 20 giây thì có một người tử vong vì tai nạn giao thông, làm thiệt hại 2% tổng GDP (khoảng 1500 tỷ USD). Nếu so sánh với các cuộc chiến tranh đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra lớn hơn rất nhiều.
Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau của các nạn nhân, các gia đình mà còn là gánh nặng của xã hội và nền kinh tế. Trên hết nó là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với bất kỳ ai từng chứng kiến.
"Cha mẹ và đứa em đã chết, để lại 2 em nhỏ hiện rất khó khăn. Tai nạn giao thông đã mất mát quá lớn, và hết sức đau lòng".
"Anh chết để lại 3 đứa con, gia đình buồn rầu lắm. Tôi không có nghề nghiệp gì hết, bây giờ không biết làm sao mà có tiền nuôi con, khó khăn lắm. Anh là người lao động chính, anh mất đi không ai lo cho 3 đứa nhỏ".
"Tôi rất sợ, phải nói là rất sợ! Cứ lâu lâu lại xảy ra tai nạn. Một vụ, hai vụ, rồi ba vụ…. vụ nào cũng tử vong tại chỗ thấy sởn da gà luôn".
"Nhắc tới tôi lại thấy sợ rồi. Coi mấy cái clip từ camera ghi lại đó, thấy trời ơi tai nạn xảy ra trong chớp mắt luôn mà sao người ta không sợ?"
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc Gia thông tin rằng hầu hết nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông trong độ tuổi từ 18 đến 55, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại lớn cả về tinh thần lẫn sự phát triển của xã hội.
"Thiệt hại, thương vong chủ yếu rơi vào nhóm người có độ tuổi từ 18-55. Họ là những người trẻ nhất, khỏe nhất, là tru cột của gia đình, những người năng động nhất trong xã hội, là lực lượng chính để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, của cộng đồng, doanh nghiệp và sự phát triển của các tổ chức. Những người này không may bị tai nạn giao thông qua đời hoặc bị thương thì thiệt hại vô cùng to lớn".
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp các ngành trong việc giảm thiểu và hạn chế tai nạn giao thông trong những năm qua, tuy nhiên theo ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội những số liệu báo cáo về tình hình an toàn giao thông của các địa phương, các bộ ngành không thực sự phản ánh đúng thực tế.
"Cứ nói tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, coi đó là kết quả chỉ đạo điều hành. Xin lỗi, thực tế cái này là ảo. Tôi có hỏi một số người có trách nhiệm, họ nói địa phương giấu số liệu rất nhiều, do sợ bị nói, sợ bị phê bình. Tai nạn giao thông chết ở đường thì thống kê, còn đưa vào viện mới chết lại nói chết vì lý do khác".
Có thể thấy các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay đã phần nào đi vào cuộc sống, làm chuyển biến được nhận thức của một bộ phận lớn người tham gia giao thông. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế rằng những yếu kém trong quản lý, cơ sở hạ tầng cũng như những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ và nhiều doanh nghiệp khiến cho tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà - nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông Bộ Công An nói:
"Ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến nhưng chưa căn cơ, bền vững, đặc biệt là những người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới hiện nay, khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe và quản lý giấy phép lái xe tôi cho là quản lý rất kém. Tôi cho là những vụ việc quan trọng do kỹ năng tay lái, đạo đức nghề nghiệp cho nên việc bon chen trên đường, không vì mọi người, văn hóa ứng xử không tốt gây tai nạn".
|
Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa không chỉ của Việt Nam mà của cả toàn thế giới. Ảnh: Khoa Nam |
Tai nạn giao thông đã, đang và sẽ là một trong những thảm họa không chỉ của Việt Nam mà của cả toàn thế giới. Chính vì vậy mà tổ chức Hòa Bình Đường Bộ đã khởi xướng “ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ” trên phạm vi toàn cầu. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung của toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông và cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn do tai nạn giao thông gây ra.
Để hưởng ứng ngày kỷ niệm này, Ủy ban QTGT Quốc gia sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại TPHCM vào sáng chủ nhật 17/11/2019, bên cạnh đó là nhiều hoạt động hưởng ứng cụ thể. Chia sẻ thêm về những mục tiêu mà TPHCM đặt ra trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hưởng ứng tinh thần thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM nói:
"Thành phố xác định trách nhiệm đầu tiên của mình là công tác tuyên truyền, truyền thông làm sao để cảnh báo người dân thấy được tai nạn giao thông là hậu quả rất nghiêm trọng để người ta sợ, người ta ngán mà chấp hành. Làm sao vừa cảnh báo nhưng vẫn nâng cao được nhận thức của người tham gia giao thông để người dân tự giác chấp hành luật giao thông".
Thấy gì phía sau những con số thống kê TNGT hàng năm?
Những con số thống kê về tai nạn giao thông là tư liệu cần thiết để phản ánh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của nước ta và thế giới nói chung. Việc đảm bảo tính minh bạch và chính xác các con số thống kê này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thống kê mà qua đó đánh giá được hiệu quả của các giải pháp đang triển khai.
|
Tai nạn giao thông thực sự là một thảm họa mang tính toàn cầu. Ảnh: Nhất Hoàng |
Tai nạn giao thông không chỉ khiến hàng triệu người chết mỗi năm, hay làm thất thoát hàng ngàn tỷ đô la mà đó thực sự là một thảm họa mang tính toàn cầu. Những hệ lụy tiêu cực do tai nạn giao thông gây ra đã thực sự khiến các quốc gia, các tổ chức phải nhìn nhận một cách nghiêm túc để từ đó đề ra những kế hoạch cụ thể để ứng phó.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua thì tai nạn giao thông của nước ta cơ bản đã được kéo giảm về cả 3 mặt, số vụ, số người chết và số người bị thương. Dù những con số thống kê vẫn chưa thực sự làm hài lòng tất cả nhưng không thể phủ nhận rằng, nhận thức về tác hại từ các tai nạn giao thông đã dần in sâu vào tâm trí của hàng triệu người dân Việt.
Kéo giảm tai nạn giao thông trở thành 1 nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà Đảng và Nhà Nước ta nỗ lực hoàn thành trong thời gian qua. Hàng loạt những giải pháp từ vi mô đến vĩ mô đã được áp dụng trên phạm vi cả nước với mong muốn hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tai nạn giao thông mang lại. Thế nhưng vẫn còn đó hàng loạt những bất cập khiến cho tai nạn giao thông dù có giảm nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Việc Tổ chức Hòa bình Đường Bộ khởi xướng “ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ” và nước ta hưởng ứng bằng chuỗi các hoạt động tưởng niệm thể hiện sự tiếc thương dành cho những người không may. Tuy nhiên cần phải biến sự thương tiếc ấy thành động lực mạnh mẽ, để cùng nghĩ và hành động quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn giao thông, mang đến sự an toàn không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng.
Hãy cùng chung tay để thông điêp “tưởng nhớ người đi - vì người ở lại” không trở nên sáo rỗng mà phải được lan tỏa rộng hơn, sâu hơn trong cộng đồng. Thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các nạn nhân, các gia đình bị ảnh hưởng từ tai nạn giao thông, không để họ bị bỏ lại bên lề cuộc sống mà cần giúp họ tái hòa nhập trở lại cộng đồng, từ đó trở thành những tấm gương tuyên truyền hữu hiệu nhất.
Đặc biệt cần chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục đến các em học sinh, cần có những chương trình cụ thể được lồng ghép bên cạnh các môn học chính khóa để sớm hình thành được ý thức cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Những số liệu thống kê, những buổi lễ tưởng niệm cầu siêu cho các nạn nhân không may tử vong vì tai nạn giao thông cũng sẽ chỉ là hình thức nếu như tất cả chúng ta không thực sự nỗ lực để thay đổi thực trạng này.
Chỉ có việc chấp hành tuyệt đối pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao hơn nữa ý thức khi ra đường, nói không với tất cả những hành vi tiêu cực trong hoạt động giao thông…mới có thể mang đến sự an toàn cho mình và cả cộng đồng.