|
Vietnam Airlines đề xuất tăng trần vé máy bay và phụ thu nhiên liệu. |
Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022 và gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay.
Năm 2022 vẫn còn nhiều rủi ro
Trong văn bản gửi đi, Vietnam Airlines cho biết, thị trường hành khách nội địa trong năm 2021 bị sụt giảm trong khi đó thị trường hành khách quốc tế gần như bị đóng băng hoàn toàn.
"Đối với thị trường nội địa, dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào cao điểm Tết và cao điểm hè, nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Tổng thị trường nội địa đạt khoảng 14,6 triệu khách, giảm 61% so 2019. Các hãng hàng không Việt Nam hầu như chỉ có thể khai thác được trên 60% công suất đội tàu bay, trong đó riêng Vietnam Airlines chỉ đạt 40%” – lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.
Bước vào năm 2022, Vietnam Airlines đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng không vẫn sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi bệnh Covid-19. Không những thế, việc giá xăng dầu không ngừng tăng cao trong thời gian qua đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh.
Theo tính toán của hãng hàng không này, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỉ đồng. Nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỉ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của hãng này trong năm 2022.
Vietnam Airlines cho rằng, trong bối cảnh hãng bay này đang nỗ lực để hồi phục mạng bay, tăng tần suất trở lại các đường bay, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để tận dụng cơ hội thị trường, việc chi phí khai thác không ngừng tăng cao do yếu tố khách quan không kiểm soát nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn là giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
|
Cả hai đề xuất tăng trần vé máy bay và phụ thu nhiên liệu đều chỉ hướng vào đường bay nội địa. |
Miễn thuế môi trường và phụ thu nhiên liệu máy bay
Từ những đánh giá trên, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không. Riêng Vietnam Airlines sẽ giảm được 600 tỉ đồng chi phí nhiên liệu trong năm 2022.
Vietnam Airlines cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hàng không này triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Lí giải cho đề xuất này, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.
Vietnam Airlines cho rằng việc triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa cũng là một giải pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho các hãng điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường trong khi không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện nay.
“Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng. Ngược lại nếu áp giá sàn, khác nào ngành hàng không sẽ quay lại thời độc quyền. Khách sẽ phải bay giá cao, nhà nước thất thu khoản ngân sách lớn và môi trường kinh doanh không lành mạnh.
|
Vietnam Airlines chưa bao giờ từ bỏ ý muốn tăng trần giá vé máy bay. |
Tăng trần vé máy bay để tăng giá vé?
Đối với Bộ GTVT, Vietnam Airlines kiến nghị xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa, áp dụng từ 1/4 tới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép các hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa theo thông lệ của hàng không quốc tế trước đây khi giá nhiên liệu biến động.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, khung giá trần áp dụng từ năm 2015 đến nay không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa. Do đó, việc điều chỉnh khung giá trần không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt.
Ngoài ra, việc nâng khung giá trần có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines đưa ra đề nghị thay đổi nội dung liên quan đến chính sách ảnh hưởng đến giá vé máy bay. Trước đó, vào năm 2021, hãng bay cũng đã từng kiến nghị với Bộ GTVT kiến nghị tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Theo kiến nghị của Vietnam Airlines thì mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ. Đương nhiên, đề xuất đó không được đáp ứng do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Các chuyên gia cho rằng, việc Vietnam Airlines đòi tăng trần giá vé máy bay đúng vào thời điểm cả nước vừa mới bắt đầu phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đồng thời người dân cũng đang phải vật lộn để trở lại cuộc sống bình thường là không phù hợp. Nếu trần giá vé máy bay được tăng theo đề xuất của Vietnam Airlines thì hãng hàng không này sẽ có cơ sở để tăng giá vé máy bay. Khi đó, thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về người dân.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không nhận định, việc áp sàn và tăng trần giá vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không tăng giá vé và giảm đi cơ hội được đi máy bay giá rẻ của người dân. Khi đó, người dân chịu thiệt thòi còn thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh. “Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
“Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng. Ngược lại ngành hàng không sẽ quay lại thời độc quyền. Khách sẽ phải bay giá cao, nhà nước thất thu khoản ngân sách lớn và môi trường kinh doanh không lành mạnh”.
Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
|