|
Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa. |
Vừa qua, Công ty CP IPP Air Cargo đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng một số bộ ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, để chuyên chở hàng hoá.
Dự án đầy tham vọng
Đáng chú ý, Công ty CP IPP Air của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - người được mệnh danh là “ông vua hàng hiệu” - là thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, được cấp đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021 do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT; Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Theo đó, Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
Ngoài ra, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn Luật Đầu tư và cho rằng, lập hãng hàng không chở khách mới quy định Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, luật không áp dụng quy định này với lập hãng hàng không chở hàng.
Ngoài ra, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là chỉ xem xét lập hãng hàng không mới khi thị trường hàng không phục hồi sau dịch COVID-19 (dự kiến năm 2022).
Quan điểm của Bộ GTVT
Ngay lập tức, Bộ GTVT đã có ý kiến về việc thành lập hãng hàng không này. Cụ thể, trong văn bản mới nhất do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Tuấn Anh ký, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và tham gia ý kiến để xác định “Dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về hàng không hay không.
Theo Bộ GTVT, đây là việc làm cần thiết để có cơ sở xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa.
Bộ GTVT nhấn mạnh, Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là Nhà chức trách hàng không Việt Nam cần có quan điểm về việc thành lập thêm một hãng hàng không mới vận chuyển hàng hóa trong tình hình hiện nay.
|
Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đang là xu hướng đầu tư tiềm năng. |
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động, việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau đó đã đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT.
Cần ưu tiên “cứu” các hãng hàng không trước
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thi, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo được thông qua thì đây là lần đầu tiên nước ta có một hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong gần 2 năm qua, ngành hàng không gặp thiệt hại nặng nề do hành khách đi máy bay sụt giảm mạnh. Chính thời điểm này đã ghi nhận lợi thế đặc biệt của vận tải hàng hóa bằng đường hàng không khi sản lượng vận tải vẫn được đảm bảo trong điều kiện dịch bệnh.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, việc thành lập hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa vào thời điểm này là phù hợp và có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của ngành hàng không vẫn là tập trung giúp các hãng hàng không hiện có vượt qua khó khăn để phục hồi sản xuất. Sau đó mới có thể tính đến việc thành lập hãng hàng không mới.
“Việc thành lập một hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa là ý tưởng rất hay. Đây là lĩnh vực còn rất nhiều dư địa ở nước ta. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi Covid-19 thì tất cả đều nên được nghiên cứu, đánh giá một cách thật kỹ lưỡng” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay đã có một hãng hàng không có chủ trương chủ yếu cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam, đó là hãng hàng không Vietstar Airlines. Đây là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam là liên doanh giữa tư nhân và quân đội
Tuy nhiên, Vietstar Airlines vẫn chưa được xem là hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bởi ngoài cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam, Vietstar Airlines phục vụ cho các yêu cầu quốc phòng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát... Đồng thời, hãng bay này cũng cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.