Thiếu hụt chip điện tử: Tăng trưởng ngành ô tô gặp khó

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tình trạng thiếu hụt linh kiện, chủ yếu là chip điện tử khiến hàng loạt thương hiệu ô tô gặp khó khăn trong sản xuất, kéo dài thời gian giao xe tới 1 - 2 tháng so với bình thường. Đặc biệt, việc thiếu hụt chip điện tử khiến ngành ô tô khó có thể tăng trưởng như mong muốn và làm giá bán xe có thể tăng.

Thiếu chíp, các hãng chậm giao xe
Báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 4/2021 người tiêu dùng Việt Nam đã mua 30.065 ô tô, đạt mức tăng trưởng tới 155% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù lượng tiêu thụ xe tăng mạnh nhưng thời hạn giao xe kéo dài do thiếu hụt linh kiện đặc biệt là chip bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu.
Thực tế, các hãng xe cũng đã chính thức thông báo tình trạng chậm trễ nhất định trong hoạt động sản xuất, đặt - giao xe... trong những tháng tới đây. Vừa qua, hai hãng xe Mitsubishi Việt Nam và Suzuki Việt Nam đã thông báo tới đại lý việc chậm giao xe do thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn và một số linh kiện điện tử. Cụ thể, Mitsubishi Việt Nam thông báo, các đơn hàng đặt mua xe từ giữa tháng 4 phải chờ đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới có thể nhận xe. Các mẫu xe chậm giao có Mitsubishi Xpander, Outlander (lắp ráp trong nước) và Attrage (nhập khẩu từ Thái Lan).
 Tương tự, xe Suzuki XL7 và Ertiga vấp phải tình trạng nguồn nhập khẩu bị hạn chế trong thời gian từ tháng 5 - 7/2021 do nhà máy Suzuki tại Indonesia buộc phải cắt giảm sản xuất do thiếu hụt linh kiện. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Suzuki Toshiyuki Takahara thông tin, nguyên nhân khiến nhà máy của Suzuki tại Indonesia cắt giảm sản xuất là do thiếu linh kiện điện tử đặc biệt là chíp bán dẫn điều hành tính năng quản lý động cơ, định vị vệ tinh dẫn đường, hệ thống phanh khẩn cấp...
“Dự kiến số lượng xe XL7 và Ertiga nhập khẩu từ nay đến hết tháng 7/2021 sẽ bị hạn chế, hãng xe Suzuki sẽ phân bổ nguồn xe nhập khẩu dựa theo đơn hàng và số lượng tồn kho của mỗi đại lý. Hiện tượng gián đoạn giao xe cũng xảy ra với các thương hiệu Kia, Toyota, khách hàng đặt cọc mua 2 mẫu xe Kia Seltos và Toyota Corolla Cross đều phải đợi 1 - 2 tháng mới có thể nhận xe. Tương tự, hãng xe ô tô Honda, Ford đều phát đi thông điệp quan ngại về tình trạng ngày càng xấu đi khi thiếu linh kiện bán dẫn trên toàn cầu khiến thời gian sản xuất kéo dài.
 Không chỉ những mẫu xe “bình dân” mới lâm vào cảnh khan hiếm do thiếu chip bán dẫn mà phân khúc xe sang cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện Công ty TNHH ô tô Ngôi sao Việt Nam (Đại lý Mercedes-Benz tại Việt Nam) thông tin: Hiện thời gian đặt hàng các mẫu xe nhập khẩu Mercedes-Benz đang bị kéo dài đáng kể, các mẫu xe nhập khẩu hầu như đều bị "delay" 1 - 2 tháng so với trước.
 Chịu sức ép cạnh tranh từ ngành điện tử tiêu dùng
 Vậy vì sao thiếu chip bán dẫn lắp đặt cho xe ô tô? Theo giải thích của các chuyên gia VAMA, sự thiếu hụt bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khi các nhà sản xuất ô tô đang lâm vào tình trạng cạnh tranh với ngành hàng điện tử tiêu dùng về nguồn cung chip.
 Tổng Giám đốc Công ty Bkav Electronics Trần Việt Hải chia sẻ, từ đầu năm 2021, tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn cho sản xuất xe hơi toàn cầu được báo động. Sự thiếu hụt nguồn cung này có nguyên nhân chính từ thực tế các biện pháp giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị chơi game… tăng vọt. Đây là mặt hàng sử dụng nhiều chip trong một thiết bị, càng tối tân càng tốn nhiều lượng chip, do đó được các nhà cung ứng ưu tiên cung cấp hàng nhiều hơn DN sản xuất ô tô.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long chia sẻ, sự thiếu hụt nguồn cung chip còn có nguyên nhân từ chính các DN sản xuất xe hơi không dự đoán được sự phục hồi nhanh chóng của thị trường tiêu thụ xe. Từ nửa cuối năm 2020, chính phủ nhiều nước (trong đó Việt Nam) đã đưa ra nhiều phương án kích cầu tiêu dùng, chẳng hạn Việt Nam giảm 50% phí trước bạ. Bên cạnh đó người tiêu dùng có tâm lý hạn chế sử dụng phương tiện công cộng khi di chuyển đã khiến nhu cầu mua xe mới tăng mạnh.
Theo Tổng Thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn, trong thời gian tới việc thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn khiến lượng xe đưa ra thị trường giảm sút và giá có thể sẽ tăng nhất là xe nhập khẩu. “Công ty Nghiên cứu thị trường JD Power (Singapore) đã đưa ra dự báo từ nay đến hết quý III/2021, tùy từng loại xe giá tăng từ 5 - 25%. Chẳng hạn, General Motors đã tăng giá bình quân 3.500 USD/xe, còn Ford tuyên bố giá bình quân đã tiệm cận mốc 40.000 USD/xe” - ông Chấn dẫn chứng.

Tình trạng thiếu hụt phụ tùng, đặc biệt là chip sẽ còn kéo dài tới hết năm nay, thậm chí sang tới năm 2022. Ở Việt Nam, ngoài nguồn xe nhập khẩu nguyên chiếc thì ngay cả các mẫu xe lắp ráp trong nước cũng phụ thuộc chính vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Vì vậy việc thiếu hụt chip bán dẫn và linh kiện sẽ tác động tới kế hoạch vận hành sản xuất, kinh doanh xe ô tô trong năm 2021 của DN ô tô Việt Nam.

Tổng Thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn

Con chip xuất hiện trong hầu hết các thiết bị điện tử, dù đơn giản nhất như thẻ căn cước công dân mới của Việt Nam, cho đến các thiết bị điện tử gia dụng phổ biến như tivi, tủ lạnh, bếp điện từ, nồi cơm điện tử... Trong khi đó, Việt Nam gần như chưa có DN nào làm ra đầy đủ một con chip nên đều phải phụ thuộc vào nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Vì vậy trong thời gian các nhà sản xuất nhiều khả năng sẽ phải thay đổi giá bán để thích ứng với chi phí tăng giảm và tính khả dụng của các loại chip. Vừa qua với lý do giá các thành phần chính trong đó có chip điện tử tăng cao thương hiệu Xiaomi (Trung Quốc) đã tăng giá bán một số mẫu tivi, Samsung Electronics và Sony gần đây cũng đã tăng giá một loạt sản phẩm.

Giám đốc sản xuất Công ty VNPT Technology Lý Quốc Chính

Do tác động của dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất và cung ứng linh kiện bao gồm cả chip điện tử trên toàn cầu của các hãng xe ô tô bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này gây ra nhiều khó khăn, thách thức từ khâu đặt hàng, nhập khẩu linh kiện cho đến quá trình vận chuyển về Việt Nam để sản xuất. Khó khăn này khiến kế hoạch sản xuất, giao xe cho khách bị gián đoạn phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số, gây ra xáo trộn về thứ hạng cạnh tranh của hãng trong từng tháng, quý, thậm chí là cả năm 2021. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn gặp tình trạng khan hiếm container, chi phí vận tải, nhân công tăng cũng phần nào tạo thêm sức ép lên thị trường xe trong giai đoạn hiện nay. Kéo theo đó, giá các mẫu xe “hot” sẽ khan hiếm nên rất có thể tăng giá trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Công ty CP Toyota Thăng Long Bùi Việt Dũng

Thu Hương

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h