|
Khó khăn của các DN hàng không được cộng hưởng từ năm 2020 đến nay. |
Cùng với việc thiếu hụt dòng tiền, việc doanh thu sụt giảm còn khiến các DN hàng không rơi vào tình trạng nợ nần, đối mặt với nguy cơ phá sản. Họ vừa một lần nữa lên tiếng cầu cứu và khẩn thiết xin được hỗ trợ.
Khó khăn cộng hưởng
Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các DN hàng không đang rơi vào tình trạng khó khăn cùng cực. Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho thấy, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, kể từ đầu năm 2021 đến nay, các DN hàng không ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn do những đợt bùng phát dữ dội và kéo dài của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đợt bùng phát lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020), khiến các hãng càng suy kiệt.
Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai.
Trước đó, trong năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động hàng không của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lên tới 16.000 tỷ đồng.
Khó khăn hiện nay của các DN hàng không Việt Nam là sự cộng hưởng từ việc sụt giảm doanh thu trong năm 2020. Đến hiện tại, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ được cải thiện khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Kế hoạch thực hiện “hộ chiếu vaccine” dù đã có từ lâu nhưng đến nay mới dừng lại ở một vài chuyến bay thử nghiệm.
|
Các DN hàng không tiếp tục kiến nghị được vay thêm tiền và giãn thêm nợ. |
Vay thêm tiền, giãn thêm nợ
Đối diện với khó khăn cùng cực như hiện nay, một lần nữa các DN hàng không lại phải lên tiếng kêu cứu. Mới nhất, VABA vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không. Trong văn bản trên, VABA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Kể từ đợt bùng phát thứ 6 của Covid-19 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện, cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn” – VABA nói rõ về tình hình khó khăn hiện tại của các DN hàng không.
Thậm chí, theo tính toàn của VABA, kể cả khi hết dịch bệnh thì các DN hàng không vẫn cần tới ít nhất từ 3 – 6 tháng để ổn định trở lại. Trên thực tế Covid-19 đã ảnh hưởng xuyên suốt năm 2020 cho đến nay và dự kiến còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài ít nhất là hết năm 2021.
Để các DN hàng không có thể vượt qua được khó khăn hiện tại, VABA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng/các khoản nợ được cơ cấu lại, áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát (cho cả các khoản giải ngân cả trước và sau ngày 10/6/2020).
Bên cạnh đó, Theo VABA, thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi cũng cần được kéo dài và giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, VABA còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện miễn, giảm lãi, phí trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 - 6 tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 (hoặc công bố trạng thái bình thường mới) theo quy định của Thông 1/2020 của Ngân hàng Nhà nước thay vì giới hạn thời hạn tại 31/12/2021.
Đặc biệt, VABA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trưc tiếp bởi Covid-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Đây sẽ là tiền đề để các ngân hàng thương mại thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với các DN, trong đó có DN hàng không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
|
Hộ chiếu vaccine vẫn là giải pháp lâu dài mà các DN hàng không cần tập trung đến. |
Không nên quá trông chờ vào gói cứu trợ ngắn hạn
Trên thực tế, khó khăn của các DN hàng không không phải bây giờ mới được nói đến. Các giải pháp nhằm giải cứu cho ngành hàng không cũng được bàn đến rất nhiều, trong đó có cả gói cứu trợ ngắn hạn và giải pháp giải hạn.
PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho rằng, hai thông tư mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 là những gói cứu trợ ngắn hạn có ý nghĩa quan trọng đối với các DN ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có các DN hàng không.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, dù chính sách hỗ trợ vẫn chưa thỏa mãn hết những nhu cầu cần thiết của các DN hàng không nhưng nếu đặt trong tương quan so sánh với nhiều lĩnh vực vận tải khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như đường bộ, đường sắt thì hàng không vẫn được ưu tiên hơn cả.
“Vietnam Airlines đã nhận được cả một gói cứu trợ khủng lên tới 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020. Nhìn lại các DN vận tải đường bộ xem, liệu đã có DN nào nhận được gói cứu trợ lớn bằng một phần như thế, dù họ cũng có vai trò, sứ mệnh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cho đất nước” – chuyên gia Ngô Trí Long phân tích và cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là giải pháp dài hạn, đó là làm sao để các DN hàng không có thể sớm nối lại các đường bay, nhất là đường bay quốc tế.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không cho biết, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh hơn nữa kế hoạch “hộ chiếu vaccine” để sớm vào triển khi rộng rãi tại tất cả các hãng hàng không. “Tiến độ tiêm vaccine ở nước ta đang được đẩy mạnh tại nhiều địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là giải pháp để chiến thắng dịch bệnh mà còn giúp các DN sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh, trong đó có các DN hàng không” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.