Thông điệp từ nỗi đau của người ở lại

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi- Những ngày qua, thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” với nhiều hình ảnh ấn tượng từ Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 - 1994, đang lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hiệp - Chủ tịch Hội về những mong muốn được Hội trao gửi qua thông điệp này.

Thong diep tu noi dau cua nguoi o lai - Hinh anh 1
Thông điệp Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 - 1994.

Xuất phát từ hoàn cảnh nào mà Hội lại đưa ra thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, thưa ông?

- Đêm 30/4, một tài xế say xỉn đã gây ra vụ tai nạn vô cùng thảm khốc, cướp đi sinh mạng của hai người bạn trong Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khoá 1991 - 1994 chúng tôi. Đó là Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh. Nhận được tin chúng tôi rất bàng hoàng và đau xót.

Bên cạnh nỗi tiếc thương vô hạn, chúng tôi có cùng một mong muốn là sự ra đi của hai bạn sẽ không trở thành vô nghĩa. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng tôi và tất cả chúng ta, phải có trách nhiệm khi tham gia giao thông, đã uống rượu bia thì nhất định không được cầm tay lái. Để biến mong muốn thành hiện thực, chúng tôi đã bàn nhau, tự thiết kế các hình ảnh, truyền tải thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đến các thành viên trong Hội cũng như toàn xã hội.

Thông điệp đã và đang được truyền tải như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, chúng tôi đưa thông điệp đến với hơn 10.200 thành viên của Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 - 1994. Từ họ, thông điệp sẽ lan tỏa đến hàng vạn gia đình và nhiều người khác nữa. Chúng tôi đang in ấn đề can hình ảnh mang nội dung cảnh tỉnh, nhắc nhở để các Hội viên dán lên vật dụng tùy thân như quần áo, cặp, túi và xe cộ.

Cuối tháng 6 tới, nhân ngày kỷ niệm thành lập Hội, chúng tôi dự định tổ chức một chương trình hành động, đưa thông điệp đến với càng đông người dân Hà Nội càng tốt. Ví dụ như đạp xe diễu hành, mang khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đi quanh TP. Chúng tôi cũng mong muốn có thể liên kết, phối hợp với nhiều hội nhóm xã hội khác để cùng nhau lan tỏa thông điệp an toàn giao thông một cách kiên trì, bền bỉ và hiệu quả.

Theo ông, bên cạnh việc truyền tải các thông điệp về an toàn giao thông, cần phải làm gì để ngăn chặn, hạn chế những vụ tai nạn do rượu bia?

- Tôi nghĩ, việc đưa ra thông điệp cần phải song hành với những hành động thiết thực từ cả cơ quan chức năng lẫn người dân. Chẳng hạn như chúng tôi đang kêu gọi các hội viên có kinh doanh nhà hàng, mở chương trình khuyến mại, giảm giá cho khách đến ăn uống, sử dụng rượu bia nếu đi bằng phương tiện công cộng.

Ngoài ra cơ quan chức năng cũng có thể xem xét các biện pháp kinh tế nhằm hạn chế sử dụng rượu bia. Ví như đánh thuế theo mức độ sử dụng, càng uống nhiều càng tăng giá bia rượu. Hành vi say xỉn vẫn điều khiển phương tiện giao thông cần phải bị tăng nặng hình phạt, thậm chí không gây tai nạn cũng có thể bị xử tù. Như thế mới nâng cao hiệu quả răn đe.

Nhưng quan trọng nhất là mỗi người cần tự ý thức được, không uống say, không lạm dụng rượu bia, đã uống thì dù không say cũng không cầm tay lái. Trong Hội chúng tôi vẫn thường xuyên có hoạt động giao lưu, thể thao, gặp gỡ và tất nhiên có ăn uống chúc tụng. Nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở nhau, uống có chừng mực, không ép nhau uống, và đã uống thì đi về bằng phương tiện công cộng. Đó nên trở thành nếp, thành nét văn minh của người Hà Nội nói chung chứ không riêng gì hội, nhóm nào.

Xin cảm ơn ông!

Đặng Sơn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h