Ảnh minh họa
|
Điều này đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những “thủ phạm” chính gây ra tình trạng ô nhiễm là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông. Theo Bộ TN&MT, ngoài việc đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải thì việc thu hồi loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong TP là giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay.
Trên thực tế, việc thu hồi phương tiện cũ nát, gây ô nhiễm môi trường không phải bây giờ mới được nêu lên. Trong những năm qua, hầu như năm nào câu chuyện kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông cũng được nói đến. Thế nhưng, “cuộc chiến” làm sạch không khí từ kiểm soát khí thải phương tiện giao thông mới chỉ thật sự được triển khai đối với ô tô.
Nhưng đó mới chỉ là chế tài để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trong phân khúc tương đối hẹp. Còn riêng đối với xe máy, gần như chưa có một chế tài thật sự nào để kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này dù thực tế cho thấy, đây là phương tiện giao thông chiếm đại đa số hiện nay ở Việt Nam. Do đó, ngay khi Bộ TN&MT đưa ra đề nghị hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hồi, loại bỏ xe cũ nát đã nhận được nhiều ý kiến tán thành.
Đương nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình vẫn còn không ít lo ngại về tính khả thi cũng như khó khăn chờ sẵn khi tiến hành thu hồi, loại bỏ xe cũ nát. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi không cần nói ra, ai cũng biết công việc này không hề dễ dàng, đặc biệt về mặt cơ chế. Đầu tiên có thể kể ra, hiện chưa có quy định nào yêu cầu niên hạn sử dụng đối với mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi phương tiện.
Do đó, muốn hiện thực hóa đề xuất của Bộ TN&MT, đầu tiên các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định cụ thể về thời hạn sử dụng hoặc gây ô nhiễm môi trường đến mức độ nào sẽ bị thu hồi. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện trên đường, từ đó xe cũ nát sẽ không còn cơ hội lăn bánh. Nhưng nói là như vậy, khi thực hiện sẽ mất cả chặng đường dài. Chẳng nói đâu xa, ngay với ô tô, tình trạng xe quá đát, hết hạn đăng kiểm vẫn lưu thông "lén lút" xảy ra liên tục chứ đừng nói đến xe máy - loại phương tiện vừa có số lượng lớn vừa khó kiểm soát hơn ô tô rất nhiều.
Nói đi rồi phải nói lại, một chủ trương, chính sách hay cách làm mới bao giờ cũng gặp những khó khăn, trở ngại. Nhưng một khi chủ trương đó đúng, đủ và cần thiết thì không có rào cản nào cản nổi. Chúng ta hãy nhìn vào chất lượng không khí của hai đô thị lớn nhất nước trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt khi vấn nạn bụi mịn xuất hiện. Đây là câu chuyện liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, do đó, kể cả “khó như lên trời” cũng phải thực hiện. Và khi cả cộng đồng chung tay, cả hệ thống chính trị vào cuộc ắt sẽ thành công.