Quyết định này đánh dấu sự thay đổi trong chính sách ưu đãi đối với ô tô điện, được các chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo khuyến khích xu hướng chuyển đổi xe xanh, vừa điều tiết mức tăng xe cá nhân, mà vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của ngành ô tô Việt Nam và mục tiêu giảm phát thải môi trường.
Giảm áp lực hạ tầng
Những năm qua với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô điện và xu hướng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích việc sử dụng ô tô điện.
Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện chạy pin là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Dựa trên các mức thu lệ phí trước bạ hiện hành tại các địa phương trên cả nước đối với ô tô động cơ đốt trong, mức thu lệ phí trước bạ xe điện từ ngày 1/3/2025 sẽ dao động từ 5 - 6% tùy từng địa phương. Đây là các mức thu lệ phí trước bạ ô tô được HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương áp dụng theo tình hình thực tế của từng địa phương dựa trên mức thu cơ bản 10% quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc chuyển đổi ô tô xăng, dầu sang xe điện không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn có tác động không nhỏ đến việc phát triển nền công nghiệp ô tô nội địa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hạ tầng giao thông của nước ta đang quá tải trước sự gia tăng chóng mặt của xe cá nhân. Do đó, việc tăng lệ phí trước bạ từ 0 lên 50% đối với ô tô điện thời gian tới là mức hợp lý, vừa đảm bảo khuyến khích xu hướng chuyển đổi xe xanh, vừa điều tiết mức tăng xe cá nhân để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông.
Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh dẫn chứng số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn TP có khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động (chưa bao gồm phương tiện của các cơ quan T.Ư). Trong đó, TP đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại, bao gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy.
Ngoài ra còn có khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, TP khác lưu thông trên địa bàn TP. Tốc độ gia tăng phương tiện nói chung khoảng từ 4 - 5%/năm, gấp từ 11 - 17 lần tốc độ mở rộng đường sá.
Ông Trần Tuấn Anh đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, xe ô tô giá rẻ, các ưu đãi về thuế phí trước bạ có thể giúp kích thích tăng trưởng ngành ô tô trong một giai đoạn nhưng hệ lụy về giao thông để lại thì lâu dài và vô cùng nặng nề. Việc tăng phí trước bạ với ô tô điện sẽ góp phần hạn chế gia tăng phương tiện ô tô điện cá nhân nói riêng và số lượng ô tô nói chung, trả các tuyến đường về đúng năng lực thiết kế. Qua đó, tháo gỡ ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện khác
Đánh giá việc tăng phí trước bạ của ô tô điện từ 0% lên 50% sẽ tác động đến một bộ phận người tiêu dùng và thị trường ô tô điện, thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, việc tăng phí trước bạ sẽ làm tăng chi phí ban đầu khi mua xe ô tô điện, đặc biệt là với những người có thu nhập trung bình hoặc thấp. Điều này có thể làm giảm quyết định mua xe của nhiều cá nhân.
“Khi người dân không còn thấy việc mua xe ô tô điện hấp dẫn như trước, số lượng xe cá nhân có thể giảm, góp phần giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Người dân cũng có thể cân nhắc chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hoặc các hình thức đi lại khác như xe bus hay đi bộ trong các khu vực nội thành” - thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương nói.
Bên cạnh đó, việc điều tiết nhu cầu sở hữu xe cá nhân có thể thúc đẩy mô hình xe chia sẻ (car-sharing) hoặc sử dụng xe ô tô điện trong các dịch vụ cho thuê xe, vừa giảm số lượng xe cá nhân, vừa giữ cho môi trường ít bị ô nhiễm.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ ô tô điện, khiến họ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và đầu tư vào công nghệ mới để sản xuất các loại ô tô thân thiện với môi trường hơn.
Chính phủ cũng có thể dùng tiền thu được từ phí trước bạ tăng lên để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, tạo ra các phương tiện công cộng thân thiện với môi trường như xe buýt điện, tàu điện ngầm, hoặc xe điện thông minh.
Theo bà Hoàng Thị Thu Phương, mức phí trước bạ tăng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của xe điện cá nhân trong ngắn hạn, đồng thời cũng là một biện pháp để làm cho thị trường ô tô điện phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để việc tăng phí trước bạ thực sự có hiệu quả góp phần giảm thiểu xe cá nhân cần duy trì, thậm chí tăng dần lệ phí trước bạ đối với ô tô điện. Bên cạnh đó, TP cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Huyền Sâm