Tiếng còi cấp cứu...
Nhường đường cho xe ưu tiên, đó là việc đã được quy định trong luật đối với người tham gia giao thông.
Thế nhưng có 1 thực tế đáng buồn chúng ta vẫn gặp mỗi ngày, đó là hình ảnh những chiếc xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe dẫn đoàn, xe cứu thương, thậm chí xe cứu hỏa… dù nháy đèn, hú còi cảnh báo nhưng nhiều khi đáp lại chỉ là những tiếng còi tuyệt vọng, còn đoàn người-xe đi trước vẫn “thản nhiên” đi… đúng phần đường của mình, như không có chuyện gì xảy ra…
Những ngày qua, dư luận, báo chí liên tiếp phản ánh những trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông “thản nhiên” chậm rãi đi trên đường, trước mũi xe cứu hỏa, xe cấp cứu… mặc tiếng còi ưu tiên xin vượt, thậm chí có cảnh báo nhường đường của lực lượng chức năng qua loa gắn trên xe.
Đã có người bị “phạt nguội”, nhưng có vẻ tình trạng này đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục tái diễn. Liệu có phải do ý thức kém của người tham gia giao thông, hay do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp này?
Sự “lạnh lùng, vô cảm” - như lời của chị Thu Hiền, ở Cầu Giấy, Hà Nội vừa chia sẻ, có lẽ là từ ngữ khá chính xác cho nhiều trường hợp tham gia giao thông hiện nay: Khi nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu chạy trên đường mà gặp phải tình trạng còi thì cứ réo, người thì cứ đi không có ai nhường đường, thực sự tôi cảm thấy rất lo lắng và hoảng sợ thay cho người nhà của những bệnh nhân trên xe cấp cứu ấy… Đây không phải là ý thức kém nữa mà là sự lạnh lùng, vô cảm của những người tham gia giao thông. Bản thân tôi khi nghe thấy bất kỳ một tiếng còi xe cấp cứu hay xe cứu hỏa… trong tình trạng cấp cứu là tôi cũng phải nhường đường đầu tiên.
|
Những chiếc xe cấp cứu bị bao vây bởi các phương tiện khác, mặc cho còi khẩn cấp, nhiều người vẫn không có suy nghĩ phải nhường đường cho xe ưu tiên. Có người viện lý do đường đông không thể lách ra để nhường đường, nhưng nếu tất cả mọi người tham gia giao thông đều có ý thức trong việc nhường đường cho xe ưu tiên thì sẽ không có bao giờ chúng ta phải chứng kiến cảnh những tiếng còi "tuyệt vọng" |
Chỉ ít ngày trước, trên 1 diễn đàn về oto, 1 người tham gia giao thông đã chia sẻ về thái độ của 1 tài xế ô tô khi nhất định đi… “đúng phần đường của mình” mặc cho tiếng còi xe cấp cứu hú inh ỏi đằng sau suốt 1 quãng đường dài.
Đến mức người chứng kiến đã phải chạy lên đề nghị người lái ô tô nhường đường thì nhận được câu trả lời cực kỳ vô cảm: Kệ… nó!?
Có trường hợp bị phạt nguội, khi lên cơ quan công an nộp phạt lại lấy lý do mở nhạc to quá hay mải nghe điện thoại không nghe thấy tiếng còi (?)…
Với tất cả những trường hợp này, theo Thượng úy Hoàng Tùng - Đội CSGT số 2 - Công an thành phố Hà Nội dù vô tình, hay cố ý đều là hành vi vi phạm luật: Có những trường hợp người vi phạm đeo tai nghe, hoặc nghe điện thoại di động, họ tập trung vào những công việc khác nên không phát hiện ra tín hiệu nhường đường cho xe ưu tiên. Tuy nhiên tất cả những trường hợp như vậy đều là hành vi vi phạm. Vì vậy người điều khiển phương tiện trên đường khi cầm lái phải chú ý quan sát gương chiếu hậu, tập trung vào lái xe, và giảm tốc độ, tránh, vượt đúng quy định…
|
Còi cứ hú, đèn cứ nháy, còn những người tham gia giao thông phía trước thì vẫn "kiên quyết" giữ làn đường của mình |
Trên thực tế, cũng có những trường hợp lái xe cứu thương lưu thông trên đường nhưng không phải làm nhiệm vụ và vẫn hú còi ưu tiên và vượt đèn đỏ, dẫn đến những bức xúc của người tham gia giao thông, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm, tập trung đông phương tiện lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, về quy định đối với người lái xe cứu thương hiện nay chưa có quy định cụ thể nào giống như với các lái xe tải, lái xe container hay lái xe taxi… Nên vẫn rất khó để xác định họ có vi phạm luật giao thông hay không.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - nguyên Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên trước đây về vấn đề này thì: Tôi thấy cần phải có những quy định cụ thể đối với những người lái xe cứu thương, bởi loại xe này được cho rất nhiều quyền ưu tiên. Mà khi đã được giành quyền ưu tiên thì đôi khi những lái xe sẽ bất chấp các luật lệ, luật giao thông… thậm chí có những lúc có xe chúng ta thấy không có bệnh nhân cũng chạy vào đường ngược chiều, chạy vào đường cấm. Có thể lúc đó họ đang trên đường đi cấp cứu bệnh nhân, nhưng tuy nhiên chúng ta cũng phải có những đào tạo, những quy định thậm chí còn phải khắt khe hơn với các loại hình khác đối với người lái xe cứu thương.
Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ với mức từ 2 - 3 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô (Điểm d Khoản 6, Điểm b Khoản 12 Điều 5); Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại tương tự xe gắn máy (Điểm đ Khoản 5, Điểm b Khoản 12 Điều 6).
Với những ý kiến nêu trên, có thể nói rằng, ngoài xử phạt, việc tuyên truyền thậm chí là giáo dục cho người tham gia giao thông về ý thức nhường đường cho xe ưu tiên phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, đồng thời là bài giảng bắt buộc từ trên ghế nhà trường trong môn giáo dục công dân, hay trong giáo trình học lấy bằng lái xe.
Ngược lại, cũng phải có những quy định đối với người lái xe cứu thương, ví dụ như phải có thời gian, kinh nghiệm lái xe nhất định, phải được đào tạo theo đặc thù đối với người lái xe cứu thương để khi lưu thông trên đường họ ý thức làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của mình.
Cái ngoái cổ và đèn xi nhan
Câu chuyện nhường đường cho xe ưu tiên chúng ta đã nói, và đã nói quá nhiều, nhưng thực tế vẫn chưa thể thay đổi được ý thức của người tham gia giao thông, dù mức xử phạt hiện nay là khá nặng và nghiêm khắc.
Sự “hỗn loạn” đến mức nguy hiểm của giao thông Việt Nam khiến nhiều du khách quốc tế mỗi khi đến mảnh đất hình chữ S này du lịch đều phải rỉ tai nhau dặn dò cẩn trọng, giống như 1 “cẩm nang sinh tồn” cần phải có.
Một câu chuyện nhỏ, nhưng cũng đáng phải suy nghĩ và nói tới không kém gì việc nhường đường cho xe ưu tiên kể trên - đó là câu chuyện: Xi nhan sang đường của dân ta…
Mỗi ngày đi ra đường, hầu như chúng ta đều gặp, hoặc chứng kiến 1 vài va chạm hoặc tai nạn trên đường do người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông không làm chủ được tay lái, do thiếu quan sát, do bất cẩn khi lưu thông trên đường...
Nguyên nhân dẫn đến TNGT rất nhiều, nhưng có lẽ có một hiện tượng khá phổ biến ở ta, đó là những người tham gia giao thông không hề có ý thức về sử dụng các chức năng được tích hợp trên phương tiện vận chuyển của mình. Một trong những chức năng đó là đèn “xi-nhan”...
Rất kỳ lạ, thay vì bật đèn “xi-nhan” khi cần phải rẽ hoặc tấp vào lề đường, nhiều người lại dùng cái cần cổ của mình!?
Mỗi khi muốn rẽ họ lại nghiêng đầu về phía mong muốn. Vậy là nếu ai đi đằng sau họ thì cần phải “nhanh trí”... đoán tình huống bất ngờ mà giảm tốc độ để tránh, nếu không muốn mặt mình đập thẳng vào đuôi xe người đi trước.
Không chỉ chủ phương tiện điều khiển xe máy mới có thói quen này, ngay cả nhiều người đi ô tô cũng vậy. Không dùng tín hiệu cảnh báo trên xe để rẽ, dừng, đỗ xe. Có lẽ thói quen này xuất hiện từ thời chúng ta chỉ có xe đạp!?
Vậy là muốn ra đường bây giờ, ngoài việc luôn đề cao cảnh giác khi bất thần tai họa ập xuống từ phía sau do một anh lái “xe điên” nào đó không làm chủ tốc độ, tay lái bất thần đâm sầm vào mình.
Lại phải tập thói quen dự đoán tình huống trước mặt, để tránh không bị anh nào lái xe tạt đầu, rẽ ngang “bất tử”.
Tại Điều 15, chương 2 của Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định rất cụ thể về việc chuyển hướng xe khi tham gia giao thông. Đó là, khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Tương tự tại điều 18 chương này cũng quy định phải có tín hiệu khi phương tiện muốn dừng đỗ trên đường. Ấy thế nhưng ở ta lại khác, thích thì rẽ, muốn là đỗ, bất kể ở đâu, khi nào và... tiện cho mình, chẳng cần quan tâm kẻ khác.
Miễn là nơi đó không có... chốt cảnh sát giao thông!