Giãn tiến độ do dịch bệnh Covid-19
Phản ánh đến Giaothonghanoi, người dân cho biết, nhiều tuyến phố đang được đào xới, sửa chữa vỉa hè vỉa hè dịp cuối năm như: Hàng Bài, Yên Phụ, Cầu Mới, Huỳnh Thúc Kháng, Hàng Cót… khiến việc đi lại, kinh doanh buôn bán gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trên phố Yên Phụ, toàn bộ gạch lát vỉa hè cũ được bóc gỡ, thay thế bằng loại gạch mới, việc thi công lại rất chậm chạp, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Vào giờ cao điểm, cả tuyến phố ách tắc kéo dài. Dọc tuyến phố ngổn ngang máy móc, vật liệu xây dựng, bụi bặm mù mịt.
|
Vỉa hè phố Yên Phụ ngổn ngang phế thải xây dựng. |
Bà Nguyễn Thị Hà, người dân sống tại phố Yên Phụ cho biết: “Từ nhiều tháng nay, đơn vị thi công vỉa hè chậm như rùa bò khiến việc kinh doanh buôn bán của những hộ gia đình hai bên đường gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải mua bạt phủ bên trên khu vực bị đào xới để tránh cát đá theo gió cuốn vào trong nhà”.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, không chỉ những chỗ đang được đào xới, một số đoạn vỉa hè đã được hoàn thiện, vật liệu xây dựng dư thừa, chất đống, gây phản cảm. “Cuối năm là dịp người dân kinh doanh buôn bán, vậy mà vỉa hè bị đào xới tung tóe. Người dân chúng tôi đang rất lo lắng, không biết công trình có kịp xong trước Tết Nguyên đán hay không” - bà Nguyễn Thị Hà cho hay.
Về dự án sửa chữa vỉa hè trên phố Yên Phụ, ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) thông tin, phần vỉa hè được lát mới có tổng chiều dài hơn 1km. Dự án được thi công từ tháng 7/2021, sau đó giãn cách toàn TP Hà Nội để phòng, chống dịch Covid-19 nên được tạm dừng.
|
Những hố sâu xuất hiện gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện. |
“Đây là dự án lát lại đá vỉa hè và sửa chữa cống thoát nước do Ban Quản lý dự án quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Dự án này đã được triển khai lại hơn 2 tháng nay, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Quá trình thi công không thể tránh khỏi việc gây bụi, bẩn và ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của người dân” - ông Hoàng Xuân Sáng nói.
Tương tự, toàn bộ vỉa hè hai bên phố Cầu Mới (Thanh Xuân, Hà Nội), cũng được đào đi để làm lại trong những ngày qua khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân sống tại phố Cầu Mới cho biết: “Việc sửa chữa vỉa hè và lòng đường làm con phố khang trang hơn, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, các đơn vị thi công nên làm gọn gàng từng đoạn đường chứ không nên "bày" dọc cả tuyến phố”.
Trao đổi với Giaothonghanoi, ông Hoàng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội), cho biết: “Công trình cải tạo vỉa hè tại phố Cầu Mới có tổng chiều dài hơn 300m do phường Ngã Tư Sở làm chủ đầu tư, với tổng chi phí dự án hơn 2 tỷ đồng”.
|
Thi công vỉa hè trên phố Hàng Bài, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. |
Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, vỉa hè trên phố Cầu Mới từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn lồi lõm, không đồng bộ về mặt hạ tầng. Dự án được TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đã lùi thời gian thi công tới cuối năm 2021. Dự kiến, công trình cải tạo vỉa hè phố Cầu Mới sẽ hoàn thành trước Tết Dương lịch.
Nên cân đối thời gian hợp lý
Chủ trương chỉnh trang vỉa hè của TP Hà Nội nhằm tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp, phục vụ đời sống Nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, công tác này lại thường xuyên diễn ra vào dịp cuối năm khiến nhiều người dân đặt câu hỏi: Liệu có phải chủ đầu tư đang chạy đua để giải ngân dịp cuối năm?
Theo đại diện Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội, chỉ tính riêng trên địa bàn đơn vị này đang quản lý, có đến 9 địa điểm đang được các đơn vị thi công đào xới, sửa chữa, tân trang lòng đường vỉa hè.
|
Vật liệu xây dựng chiếm hết một làn đường khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. |
Điều đáng nói, Tết Dương lịch đang đến gần và chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều công trường tu sửa, tân trang vỉa hè vẫn còn ngổn ngang gạch đá.
Một số tuyến phố vừa mới thi công xong còn để lại bùn đất, phế thải lấp kín miệng hố ga, làm phát sinh thêm các điểm úng ngập. Cát đá, xi măng, phế thải xây dựng dư thừa không được dọn dẹp sạch sẽ, nhiều gốc cây bị đào xung quanh gây mất an toàn cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Thúy, trú tại phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm) cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng ăn uống trên phố Hàng Cót. Từ tối ngày 23/12, thấy thợ khoan đục kéo đến, cậy tung vỉa hè để sửa chữa, mặc dù tuyến phố này mới được lát đá vỉa hè chưa đầy 2 năm nay. Việc kinh doanh của gia đình tôi suốt một năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nay sẽ còn khó khăn hơn khi vỉa hè trước cửa nhà bị đào xới để sửa chữa”.
Chị Nguyễn Thị Thúy cho rằng, việc thay thế, sửa chữa vào thời gian này là không cần thiết khi mà dịp Tết đang đến gần. Đây cũng là thời điểm hanh khô khiến các công trường cải tạo vỉa hè trở nên bụi mù mịt.
|
Vật liệu xây dựng thừa không được dọn dẹp khiến tuyến đường nhếch nhác, nguy hiểm. |
“Người dân chúng tôi chỉ mong rằng, đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án, trả lại mặt đường khang trang sạch sẽ” - chị Nguyễn Thị Thúy cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, về cơ bản, việc chỉnh trang, tôn tạo vỉa hè đã và đang cải thiện mỹ quan đô thị, nhưng việc thi công còn một số bất cập như: Đơn vị thi công chậm; vật liệu xây dựng ngổn ngang khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn; khói bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân… nhất là trong dịp Tết sắp đến gần.
Theo chuyên gia này, thi công chỉnh trang, tu sửa vỉa hè, lòng đường dịp cuối năm cũng là lúc nhu cầu đi lại tăng sẽ khiến giao thông trở nên căng thẳng, lộn xộn nhiều hơn. Vỉa hè trước nhà bị đào xới, rào chắn khiến việc kinh doanh, buôn bán gặp trở ngại trong khi đây là thời điểm "vào vụ" cuối năm nên người dân bức xúc.
“Cơ quan chức năng cần cân đối lại thời gian duy tu, sửa chữa trong năm chứ không nên đào xới nhiều tuyến hè, đường vào cuối năm. Ngoài ra, đơn vị thi công cần đảm bảo thi công nhanh, đúng tiến độ và gọn gàng sạch sẽ để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống Nhân dân”.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành
|