Tổ chức lại giao thông: Hiệu quả sao vẫn chần chừ?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội đang thí điểm tổ chức lại giao thông tại một số nút giao trọng điểm, bước đầu cho hiệu quả rất tích cực, ùn tắc giao thông (UTGT) giảm đáng kể.

Tuy nhiên, thực tế lưu thông tại các nút cũng cho thấy hai vấn đề lớn là: Ý thức của nhiều người dân còn kém và công tác tổ chức giao thông là rất quan trọng nhưng lại chưa được triển khai kịp thời.

Giảm ùn tắc, tăng vi phạm

Từ giữa tháng 6 vừa qua, Sở GTVT đã thí điểm tổ chức lại giao thông tại một số nút giao, tuyến đường gồm: Ngã Tư Sở; Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu; Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân; Nguyễn Thị Thập. Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng UTGT tại các khu vực này đã giảm rõ rệt, việc phân luồng giao thông giúp phương tiện đi lại dễ dàng hơn, hạn chế tối đa xung đột.

To chuc lai giao thong: Hieu qua sao van chan chu? - Hinh anh 1
Nút giao Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám. Ảnh: Công Hùng 

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tình hình giao thông tại khu vực nút Ngã Tư Sở và các tuyến đường lân cận đã được cải thiện đáng kể. Thời gian chờ đèn tín hiệu để qua nút đã giảm một nửa; các phương tiện trên tuyến đường: Trường Chinh - Láng; Nguyễn Trãi - Tây Sơn lưu thông tốt. Các điểm quay đầu trên đường Trường Chinh (gần Bệnh viện Phòng không không quân) và đường Láng (gần cây xăng Ngã Tư Sở) đáp ứng được nhu cầu di chuyển.

Tương tự, khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh – Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, đường Nguyễn Thị Thập đã được cải thiện đáng kể.

Anh Nguyễn Cao Sơn (trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) nhận xét: “Giao thông trên đường Trần Duy Hưng, nhất là hướng từ hầm chui Trung Hòa vào trung tâm TP đã không còn ùn tắc. Khu vực đầu cầu vượt Nguyễn Chánh cũng vậy. Tổ chức giao thông như thế này là cực kỳ hợp lý, thao tác đơn giản nhưng xóa cùng lúc 2, 3 điểm xung đột, UTGT cố hữu”.

Đối với nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, lãnh đạo Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP cho biết, tình hình giao thông đã được cải thiện rất nhiều, cả trên đường Tố Hữu lẫn các tuyến xương cá xung quanh như Vũ Trọng Khánh, Trung Văn…

To chuc lai giao thong: Hieu qua sao van chan chu? - Hinh anh 2
Nút giao thông Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh sau khi điều chỉnh hướng đi. Ảnh: Phạm Hùng 

Tuy nhiên, một phần do chưa nắm được phương án phân luồng mới, phần khác do ý thức tham gia giao thông chưa cao nên nhiều người vẫn rẽ tại nơi cấm rẽ, gây mất trật tự, ATGT, đặc biệt với người điều khiển xe máy.

Đây cũng là hiện tượng phổ biến tại các nút giao vừa được điều chỉnh. Người đi xe máy, đôi khi cả ô tô cũng cố tình đi ngược chiều trong nút: Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kết hợp với CSGT đã kiên trì tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong suốt thời gian qua nhưng không ít trường hợp khi vắng bóng lực lượng chức năng vẫn cố tình vi phạm.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ, qua thời gian thí điểm phân luồng tại một số nút giao cho thấy Hà Nội đang tồn tại hai vấn đề lớn. Thứ nhất, ý thức của một bộ phận người dân cực kỳ kém, cố tình phạm luật, gây rối loạn giao thông. Nếu tiếp tục diễn tiến như vậy thì không một mạng lưới hạ tầng hay biện pháp tổ chức giao thông nào đáp ứng được, UTGT sẽ luôn trầm trọng.

“Vấn đề thứ hai là công tác tổ chức giao thông chưa được chú trọng đúng mức. Trong bối cảnh hạ tầng chậm phát triển, lượng phương tiện cá nhân lại gia tăng từng ngày như hiện nay, công tác phân luồng, điều tiết khoa học, hợp lý sẽ giảm thiểu áp lực, thổi luồng sinh khí mới cho giao thông Hà Nội” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Không nên quá thận trọng

Ngày 21/7 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có Thông báo về việc tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm phân luồng, tổ chức giao thông tại các nút giao, tuyến đường: Ngã Tư Sở; Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu; Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân; Nguyễn Thị Thập. Thời gian thí điểm kéo dài đến ngày 22/10. Động thái này khiến không ít người ngạc nhiên.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ: “Thời gian thí điểm giai đoạn trước chỉ có hai tuần, tương đối ngắn nhưng hiệu quả rất rõ rệt. Việc thí điểm tiếp, kéo dài thêm 3 tháng nữa là không cần thiết. Nếu muốn thận trọng, Hà Nội chỉ cần thí điểm thêm từ 2 - 4 tuần mà thôi”.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, Hà Nội đang quá thận trọng trong công tác nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, khiến hoạt động lưu thông chậm đi vào nền nếp.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích, phải có quyết định phân luồng chính thức, hoàn thiện hệ thống biển báo, biển cấm để làm cơ sở cho CSGT xử phạt vi phạm. Kết hợp xử phạt với tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở mới dần hình thành trật tự giao thông, nâng cao ý thức của người dân.

“Hà Nội vừa trải qua nhiều thời điểm mưa to bất ngờ, nắng nóng diện rộng nhưng giao thông tại các nút được điều chỉnh vẫn ổn định, cho thấy công tác tổ chức rất hiệu quả. Thí điểm thêm chưa chắc đã thấy được điều gì mới. Thậm chí có thể khiến người dân nảy sinh thắc mắc, vì sao phương án tốt mà lại không thực hiện ngay?”.

Anh Đặng Trung Tính (trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) nói: “Việc phân luồng lại qua nút Ngã Tư Sở rất hợp lý, UTGT giảm hẳn. Nhưng vi phạm giao thông còn quá nhiều, cần phải xử phạt ngay để đi vào nền nếp ngay từ khi mới điều chỉnh. Nếu để lâu thành thói quen đi ngược chiều sẽ cực kỳ khó giải quyết. Hơn nữa tổ chức giao thông có thể thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm, không cần quá thận trọng như vậy”.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, Hà Nội có tới cả trăm khu vực cần xem xét lại tổ chức giao thông trong bối cảnh hiện tại, nếu mỗi nơi lại tốn nhiều thời gian để thí điểm như vậy sẽ làm giảm hiệu quả. Đối với người tham gia giao thông, việc phải thay đổi theo các quy định, nay được đi, mai lại bị cấm sẽ tạo nên sự bất an, thậm chí là bức xúc.

Hà Nội tiếp tục thí điểm cấm phương tiện từ Nguyễn Trãi đi qua nút Ngã Tư Sở vào đường Láng, Tây Sơn. Cấm phương tiện từ Tố Hữu rẽ trái trực tiếp vào Vũ Trọng Khánh. Cấm phương tiện từ Nguyễn Chánh rẽ trái vào Trần Duy Hưng và ngược lại. Tổ chức lưu thông một chiều trên đường Hoàng Ngân, đoạn từ Nguyễn Xuân Linh - Khuất Duy Tiến. Tổ chức lưu thông một chiều trên đường Nguyễn Thị Thập, đoạn từ Hoàng Minh Giám - Nguyễn Xuân Linh. Thời gian thí điểm kéo dài đến 22/10/2022.

"Những phương án tổ chức hiện tại đã cho hiệu quả tích cực nên áp dụng ngay, lấy đó làm cơ sở, điển hình để tiếp tục triển cho các khu vực khác. Chần chừ bao lâu là UTGT gây khó khăn cho người dân bấy lâu." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung.

 

 

HẢI PHƯƠNG/KTĐT

Tin liên quan