Theo quy hoạch, cả nước có 6.400km đường cao tốc nhưng đến năm 2023 mới đưa được 2.000km vào sử dụng trong khi các địa phương đều đề nghị, đường cao tốc phải kết nối với trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh để phục vụ nhu cầu phát triển. Với nhu cầu đó, quy hoạch đường cao tốc có thể lớn hơn, lên đến 10.000km.
Đồng tình với đề xuất thu phí trên đường cao tốc vì bản chất phí thu cho tuyến đường này là dành cho duy tu, sửa chữa và tính đến hiệu quả đầu tư nhưng ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: “Phải quy hoạch một cách rõ ràng, nơi nào để làm cao tốc. Nếu trùng vào đường dân sinh, đường Nhân dân lưu hành bình thường mà lại đặt BOT cao tốc vào thu phí thì không hợp lý. Đối với những nơi để phục vụ phát triển, khu công nghiệp, rồi những tuyến đường vận tải có kinh doanh vận tải thì thu phí là điều tất yếu, chúng ta mới đủ nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tốt được”.
Nhìn từ góc độ vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, vừa tính đến những giá trị vượt trội từ việc quản lý, sử dụng đường cao tốc, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình phí sử dụng đường bộ bao gồm 2 loại là phí thu theo phương tiện giao thông và phí thu sử dụng các công trình giao thông như công trình đường cao tốc hoặc một số các hầm giao thông đường bộ. Bởi nếu không quy định về phí sử dụng đường cao tốc riêng thì sẽ xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa những địa phương được đầu tư đường cao tốc với những địa phương không được đầu tư, giữa những người dân được sử dụng đường cao tốc với những người dân không được sử dụng đường cao tốc.
Như vậy, vô hình chung chúng ta đều nghĩa vụ đóng góp như nhau vào ngân sách nhưng có những người lại được sử dụng các tuyến đường cao tốc rất thuận lợi, có người lại không có điều kiện để sử dụng. ĐB đề nghị phải sửa lại là những đường được đầu tư xây dựng để kinh doanh được quyền thu phí sử dụng đường đó nhưng thu phí theo cơ chế giá chứ không nên quy định là thu giá.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề phí sử dụng đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng ta có một kế hoạch xây dựng đường cao tốc rất lớn nhưng hiện nay đang rất khó khăn. Nghị quyết 52, Nghị quyết 117 của Quốc hội cũng đã cho phép chúng ta đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thì sẽ tổ chức thu phí. Đây là cơ sở để chúng tôi đưa vào trong Luật”.
Theo Bộ trưởng, khi đã đưa vào trong luật thì đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền và có kinh phí để phát triển đường cao tốc, có điều kiện để quản lý giao thông vận tải tốt. Hiện nay, mô hình cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã là một bài học lớn.