|
Có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất hạ độ tuổi cho đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1. |
Nhiều ý kiến
Theo pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50 cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy giấy phép lái xe để đi xe 50-175 cc (hạng A01). Thực tế, người từ 16 đến dưới 18 tuổi không được học luật giao thông đầy đủ vì chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy dưới 50 cc.
Tuy nhiên, với sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây. Học sinh THPT đi xe máy nói chung và môtô nói riêng đến trường đang là nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn. Tại cấp THPT, nhất là lớp 11 và 12, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và học thêm khá nhiều. Tuy nhiên, phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng.
Tại hội thảo “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định, tại Thái Lan, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110 cc trở xuống là 15 tuổi, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ trên 110 cc và ôtô là 18 tuổi; tại Mỹ, công dân từ 16 tuổi đã có thể thi lấy bằng lái ôtô...
"Quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tiễn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A01", ông Hiểu nói. Và vì vậy, nếu được thông qua, học sinh THPT từ 16 tuổi sẽ được thi cấp GPLX hạng A1 để điều khiển các loại xe mô tô từ 50-175cc như người lớn.
Ghi nhận của PV Giaothonghanoi, nhiều phụ huynh và học sinh có con em ở độ tuổi này có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về vấn đề trên. Anh Trần Ngọc Tùng (trú tại quận Tây Hồ) cũng cho rằng, hiện nay các cháu cấp 3 đã phát triển vầ thể chất không kém gì người trưởng thành. Nếu được học luật và sát hạch đến nơi đến chốn thì hoàn toàn có khả năng điều khiển xe tốt.
“Gia đình nào bây giờ đều có xe máy trong nhà, khi cần các cháu lấy sử dụng luôn cũng tốt vì không phải ai cũng sẵn tiền sắm thêm cho các cháu 1 chiếc xe dưới 50cc hoặc xe điện để đi học được”, anh Tùng chia sẻ.
Chị Trần Hải Vân (trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chia sẻ, hiện nay một số nước trên thế giới đã hạ độ tuổi của người được cấp GPLX hai bánh cũng như bốn bánh. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu trên các nước đang áp dụng có những khó khăn, thuận lợi gì và các nước có cần điều kiện kèm theo hay không. Ví dụ như độ tuổi này chỉ được đi trong khu vực nội đô hay như thế nào đó. Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng thí điểm trong vòng 1-2 năm để đánh giá và rút kinh nghiệm, sau đó đưa vào áp dụng chính thức.
“Trẻ em ở độ tuổi này đã phát triển hơn hẳn thế hệ trước cả về thể chất lẫn nhận thức. Kèm theo đó, trẻ em độ tuổi này cũng bắt đầu có những lớp học thêm, học nhóm cùng bạn bè mà không thể lúc nào cũng phụ thuộc cha mẹ đưa đón”.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có nhiều phụ bày tỏ lo ngại về việc "trẻ hoá" độ tuổi cấp bằng lái xe, khi độ tuổi 16 là chưa đủ "độ chín" để có thể điều khiển phương tiện. Chị Lê Thị Hồng Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) đặt vấn đề, người không đủ 18 tuổi chưa có đủ quyền và nghĩa vụ nhất định trước pháp luật. Thế nên, nếu cho phép cấp GPLX cho các đối tượng này thì trường hợp xấu xảy ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
|
Dù không được phép nhưng tình trạng học sinh cấp 3 sử dụng các mẫu xe trên 50cc diễn ra rất phổ biến. |
"Ở cấp học phổ thông, học sinh đều được học về Luật Giao thông đường bộ cũng như các tình huống trên đường trong các tiết học ngoại khoá, vậy mà vẫn rất nhiều em trong độ tuổi này ngang nhiên vi phạm. Tôi cho rằng, nên tăng cường giáo dục ý thức và siết chặt xử phạt thay vì vẽ đường cho hươu chạy như vậy", chị Hồng Anh bày tỏ.
Đồng quan điểm, anh Đinh Ngọc Tùng (trú tại Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) nhận định, ở độ tuổi 16 và 18 tuổi là khác nhau. Tuổi 16 còn ở độ tuổi bốc đồng, lại thiếu kinh nghiệm nên đi xe phân khối lớn chưa xử lý được tình huống. Sự ủng hộ của các phụ huynh hiện nay chỉ nghĩ đến nhu cầu nhưng xét về khía cạnh pháp luật thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 18 tuổi.
"Xe máy từ 100 cc trở lên đã có tốc độ rất khủng khiếp. Hiện nay nhiều cháu chưa được phép cầm lái các phương tiện ấy mà còn dám mang xe đi đua, không mũ bảo hiểm,...như vậy thì nếu “mở toang” ra cho sử dụng, không biết tình hình trật tự an ninh còn xấu tới đâu.” - anh Tùng thắc mắc.
Anh Tùng cũng nhận định, tại Việt Nam hạ tầng giao thông chưa đủ rộng rãi, khi các em chưa làm chủ được bản thân, chưa kiểm soát được hành vi tốt thì việc chưa tuân thủ luật lệ giao thông cũng bị hạn chế.
"Tôi nghĩ là việc "trẻ hoá" độ tuổi lái xe là chưa hợp lý, thay vào đó chúng ta cần phát triển mạnh hơn nữa về hạ tầng giao thông công cộng như đang làm hiện nay, kết nối và tạo thành mạng lưới sâu rộng, giúp cho các em sử dụng những loại phương tiện này để có thể đi học một cách an toàn, văn minh" - anh Tùng chia sẻ.
Theo Nghị quyết số 37 ngày 16/3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành, Chính phủ quyết nghị "chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, đề xuất xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; báo cáo Thủ tướng những vấn đề mới phát sinh".
|