Triển khai thu phí tự động không dừng: Vì sao nhiều lần trễ hẹn?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Không lâu sau khi đưa ra lời cảnh báo sẽ cho tạm dừng thu phí đối với 4 dự án chậm triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT đã quyết định thu hồi “tối hậu thư” này.

Trien khai thu phi tu dong khong dung: Vi sao nhieu lan tre hen? - Hinh anh 1
Trạm thu phí không dừng Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Như Quỳnh

“Tối hậu thư” khiến nhà đầu tư bất bình

Ngày 5/7, một “tối hậu thư” của Bộ GTVT đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát đi nhắm vào 4 nhà đầu tư BOT trên QL1 và QL14 rằng sẽ phải tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18 giờ ngày 10/7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.  Bốn dự án BOT đó là:  Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (trạm thu phí Bắc Hải Vân); Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1.488 - Km1.525 qua tỉnh Khánh Hòa; Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp; Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP Pleiku đến cầu 110. Ngoài 4 dự án trên, Bộ GTVT cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét dừng thu phí đối với các nhà đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ ký kết phụ lục hợp đồng để thu phí tự động. Hạn chót là ngày 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi “tối hậu thư” trên có hiệu lực thi hành, ngày 8/7, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư BOT. Trong buổi làm việc này, đại diện nhà đầu tư của 4 dự án nằm trong danh sách sắp bị dừng thu phí đã có tranh luận gay gắt về việc không đồng ý với tỷ lệ từ 2 - 4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC. Thậm chí, đại diện các nhà đầu tư còn “tố” rằng, việc Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra “tối hậu tư” một cách vội vàng đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vì sau khi có thông tin, nhiều DN vận tải đã đến trạm BOT đòi lại tiền đóng vé tháng vì cho rằng trạm “có vấn đề”; gây mất an ninh trật tự.

Trước ý kiến của đại diện các nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định tỷ lệ trích cho ETC mà Bộ GTVT đưa ra mới chỉ là tạm tính, khi nào thanh quyết toán dự án thu phí không dừng mới có số liệu chính thức. Đồng thời đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem lại quyết định tạm dừng thu phí, bởi một số nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư VETC nên quyết định dừng thu phí sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư. Không lâu sau buổi làm việc này, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rút lại “tối hậu thư” tạm dừng thu phí đối với cả 4 dự án BOT trên.

Quyết tâm đưa dự án về đích đúng hạn

Đánh giá về quyết định rút lại “tối hậu thư” đối với 4 dự án BOT của Bộ GTVT, PGS.TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là quyết định hợp lý và đúng thời điểm. “Động thái này thể hiện sự cầu thị vì Bộ GTVT đã nhận thấy cách làm chưa phù hợp. Ngoài việc rút lại “tối hậu thư” dừng thu phí với 4 dự án BOT, Bộ GTVT cũng đẩy nhanh việc ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy tiến độ dự án thu phí tự động không dừng trong thời gian tới” – ông Trần Chủng nói.

Dự án triển khai thu phí tự động không dừng được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo nhưng nhiều lần trễ hẹn vì những lý do khác nhau. Sự vênh nhau trong một số nội dung của dự án giữa các nhà đầu tư BOT với Bộ GTVT, nổi cộm nhất là về tỷ lệ trích cho ETC được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng thuận giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Tuy nhiên, với một dự án trọng điểm quốc gia, tất cả những vướng mắc đều phải được sớm giải quyết để tập trung cho một mục tiêu cao nhất là đưa dự án về đích đúng hạn theo chỉ đạo của Chính phủ, trước ngày 31/12/2019.

Mới đây, trong thông cáo báo chí được phát đi, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - tổ chức gồm phần lớn các nhà đầu tư BOT giao thông khẳng định quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng của Chính phủ. Theo Hiệp hội này, việc triển khai ETC là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, sẽ giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt sẽ đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, một số bất cập đã nảy sinh khiến cho các nhà đầu tư BOT và Bộ GTVT chưa có được tiếng nói chung. Khi những vướng mắc, bất cập được tháo gỡ, Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT tìm được tiếng nói chung thì chắc chắn dự án thu phí tự động không dừng sẽ về đích đúng hạn.

Theo báo cáo của bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án thu phí tự động không dừng có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (đã lắp đặt và vận hành thương mại) và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án (vận hành thương mại được 4 trạm và 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm nay). Dự án giai đoạn 2 có tổng số 33 trạm. Hiện mới chỉ có khoảng 700.000 trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ; tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.
 

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h