Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: bàn đạp phát triển đô thị phía Nam Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi với điểm đầu tại Ngọc Hồi (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Tổ hợp ga Ngọc Hồi được xem như bàn đạp để phát triển đô thị khu vực phía Nam, biến khu vực nông thôn còn thưa thớt này thành điểm nhấn công nghiệp, dịch vụ, thương mại hiện đại, hiệu quả bậc nhất của Thủ đô.

Đầu mối giao thông chính

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vận tốc thiết kế 350km/h, tổng chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, chạy bằng nhiên liệu điện khí hóa.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi qua 20 tỉnh, TP và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Toàn tuyến được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70km/ga; 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ cả hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Theo lộ trình, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024, khởi công cuối năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035. Phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng.

Dự án cũng đề xuất tổ chức khai thác chủ yếu với 2 loại tàu: tàu dừng ở một số ga chính (dự kiến 5 ga: Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm) và tàu dừng đan xen ở tất cả các ga. Khi có nhu cầu sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận tải hàng hóa, phục vụ quốc phòng an ninh.

Tuyen duong sat toc do cao Bac - Nam: ban dap phat trien do thi phia Nam Ha Noi - Hinh anh 1
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế cho Việt Nam. Ảnh minh họa vẽ AI

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, đối với Tổ hợp ga Ngọc Hồi, TP sẽ chỉ phối hợp GPMB, còn đầu tư xây dựng sẽ theo dự án do Bộ GTVT chủ trì. Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ có đa chức năng, vừa phục vụ đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, vừa có khu depot cho đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Hà Nội. Vì vậy, dự kiến tổ hợp này sẽ có diện tích trên 250ha.

“Đây sẽ là đầu mối giao thông chính không chỉ của Hà Nội mà còn của cả Vùng Thủ đô, kết nối theo hướng Bắc - Nam. Tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại này sẽ kéo gần khoảng cách giữa Hà Nội với cả vùng, liên vùng, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội rất mạnh mẽ” - vị này cho hay.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giúp vận chuyển hành khách nhanh chóng, thông suốt và hiệu quả hơn giữa hai chiều Nam - Bắc, biến Ngọc Hồi thành một trong những đầu mối giao thông vận tải quy mô nhất trong Vùng Thủ đô cũng như cả nước.

Tuy đường sắt cao tốc chủ yếu được thiết kế để vận chuyển hành khách, nhưng nó cũng có khả năng vận chuyển hàng hóa. Việc tích hợp vận chuyển hàng hóa vào hệ thống đường sắt cao tốc có thể mở ra những cơ hội kinh tế mới, giúp giao thương nhanh hơn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
“Với Hà Nội, Tổ hợp ga Ngọc Hồi và đô thị cửa ngõ phía Nam sẽ trở thành hạt nhân của những mạch kết nối quan trọng, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng suất. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DN” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Trung Hiếu cũng cho rằng, đường sắt cao tốc sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa các khu vực, giúp thúc đẩy giao thương và du lịch. Điều này không chỉ giúp tăng cường phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi văn hóa và xã hội. Ngoài ra, cả đường sắt cao tốc lẫn ĐSĐT đều sử dụng nhiên liệu sạch, giúp giảm lượng xe cá nhân và xe tải trên đường, từ đó giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân Thủ đô.

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ: "Có thể dễ dàng nhận thấy ngay những “hạt giống” kinh tế có thể nảy mầm và sinh trưởng tốt trên mảnh đất cửa ngõ phía Nam Hà Nội như: logistics, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại… Nhưng bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần tính toán đến cả những ngành nghề có tiềm năng khác như: công nghiệp nặng, vận tải thủy, du lịch, sinh thái…

Với sự xuất hiện của cả đường sắt tốc độ cao, sân bay thứ 2, ĐSĐT đây sẽ là đầu mối rất lớn, tập trung nhiều nguồn lực về kinh tế, con người và công nghệ trong tương lai. Đó là những động lực, tài nguyên quý giá không thể bỏ qua".

Thu hút đầu tư và thương mại

Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành phân tích, với Tổ hợp ga Ngọc Hồi, khu vực cửa ngõ phía Nam của Hà Nội sẽ có điều kiện giao thông rất tốt. Ngoài đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, ĐSĐT, các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 4, Vành đai 5 - Vùng Thủ đô… đều có kết nối trực tiếp với cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Đây sẽ là điều kiện rất tốt để biến khu vực này thành trung tâm công nghiệp, logistic, dịch vụ, thương mại của Hà Nội.

“Có thể nói khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội với ga Ngọc Hồi sẽ là thỏi nam châm cực mạnh hút các nhà đầu tư, tạo ra nhiều nhà máy, công xưởng, kho vận, công nghiệp phụ trợ… đồng nghĩa với tạo ra nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ” - ông Phan Trường Thành nói.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, trong khoảng 10 - 15 năm tới, một khu vực đô thị rộng lớn phát triển bậc nhất Hà Nội sẽ được hình thành tại cửa ngõ phía Nam, trên địa bàn các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa. “Người dân từ nội thành, các huyện thị khác hay tỉnh, TP khác sẽ theo cơ hội việc làm, kinh doanh… kéo đến nơi này. Ở đâu có đầu mối giao thương lớn, có khu công nghiệp, dịch vụ ở đó sẽ có đô thị hóa” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Tổ hợp ga Ngọc Hồi không chỉ là bàn đạp phát triển đô thị phía Nam, mà còn là điều kiện để phân bố lại mật độ, kéo giãn dân cư từ trung tâm TP ra ngoại thành. Tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đã xác định kiến tạo khu vực này thành Đô thị Phú Xuyên và phụ cần.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, đầu mối giao thông phía Nam không chỉ mang đến lợi ích cho Hà Nội mà còn giúp các tỉnh gần như Hà Nam, Hưng Yên… đẩy nhanh quá trình đô thị hóa hơn. Bởi khi nhu cầu về logistics, sản xuất công nghiệp, thương mại tăng lên, các DN sẽ không chỉ tìm đến Hà Nội mà còn lựa chọn các tỉnh gần, tiếp giáp với điều kiện giao thông thuận lợi để thiết lập hệ thống sản xuất, phân phối.

Có thể khẳng định sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ mang đến cơ hội nghìn năm có một cho khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô, nơi vẫn đang còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Vấn đề lớn nhất đặt ra lúc này là Hà Nội cần xây dựng một kịch bản phát triển phù hợp, nhịp nhàng với các quy hoạch giao thông quốc gia, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa.

Thạc sĩ Xã hội học Lê Hoàng Lan cho biết: "Chắc chắn khi hình thành Tổ hợp ga Ngọc Hồi, cũng như sân bay thứ 2, cửa ngõ phía Nam Thủ đô sẽ trở thành trung tâm phát triển mới của Hà Nội. Sự gia tăng dân số cơ học cùng việc mở rộng sản xuất, kinh doanh sẽ đặt ra nhiều thách thức về giao thông, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự, an sinh xã hội…

Hà Nội cần chuẩn bị tốt hệ thống hạ tầng bao gồm cả kỹ thuật và xã hội cho nhu cầu đó. Không chỉ là vùng phát triển sản xuất, giao thương, đây sẽ còn phải là khu vực đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm vị thế của Thủ đô".

Cần phải chuẩn bị thật tốt để chớp lấy thời cơ, biến cả một khu vực nông thôn, ngoại thành với nhiều huyện thành chùm đô thị phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt cho TP. Trong đó công tác quản lý đô thị cần được ưu tiên hàng đầu, nghiên cứu tỉ mỉ để phát huy hiệu quả ngay từ sớm.

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các công trình, dự án giao thông là khâu giải phóng mặt bằng Tổ hợp ga Ngọc Hồi dự kiến sẽ rộng trên 250ha, Hà Nội sẽ đảm nhiệm phần giải phóng mặt bằng. Đây là thách thức thực sự với TP, đòi hỏi phải có những quyết sách mạnh mẽ, ngoài ra phải làm tốt công tác tuyên truyền cũng như bảo đảm đời sống cho người dân sau giải phóng mặt bằng. Điều quan trọng nhất là Hà Nội phải bảo đảm tiến độ GPMB nhịp nhàng với tiến độ dự án để hạn chế tối đa vướng mắc, khó khăn có thể làm chậm trễ quá trình xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, Tổ hợp ga Ngọc Hồi cũng nhu các tuyến ĐSĐT kết nối trực tiếp đến đây.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Đặng Sơn

Tin liên quan