Tuy nhiên, đến nay vẫn có không ít người dân còn thiếu thông tin về dịch vụ này.
Chuyển biến rõ rệt
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện có ba phương thức cấp đổi GPLX người dân có thể sử dụng. Một là làm thủ tục trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở GTVT ở hai địa chỉ: 16 Cao Bá Quát (quận Ba Đình); 258 Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Hai là làm thủ tục trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; ba là làm thủ tục tại bộ phận Một cửa của một số UBND quận, huyện.
Đến nay Hà Nội đã có 7 quận huyện được Sở GTVT ủy quyền thực hiện dịch vụ cấp đổi GPLX gồm: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Phú Xuyên, Sơn Tây, Nam Từ Liêm, Đan Phượng. Đây dược xem là kênh hỗ trợ quan trọng giảm tải cho Sở GTVT đồng thời giản tiện những phiền hà, vất vả cho người dân.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tỷ lệ người dân làm thủ tục xin cấp đổi GPLX tại bộ phận Một cửa của các quận huyện hiện chiếm khoảng 15 - 20% trên tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết. Với chỉ 7/30 quận, huyện thực hiện thủ tục mà vài tháng qua đã giải quyết dược hơn 10.200 hồ sơ cấp đổi GPLX cho người dân.
Anh Dư Tiến Hải (xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức) cho biết: “Lúc đầu tôi cũng định ra tận số 16 Cao Bá Quát để đổi GPLX, nhưng được người cùng xóm cho biết có thể đến UBND huyện làm thủ tục. Tôi đến huyện, được hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết thủ tục nhanh gọn, rất thuận tiện mà không mất ngày, mất buổi đi xa”. Tương tự, đông đảo người dân, đặc biệt là tại các huyện, thị ở xa trung tâm như: Sơn Tây, Đông Anh, Phú Xuyên… cũng rất phấn khởi với dịch vụ cấp đổi GPLX ngay tại địa phương.
Chị Đặng Thị Thường (huyện Đan Phượng) chia sẻ, bộ phận tiếp nhận và giải quyết thục tục cấp đổi GPLX tại UBND huyện Đan Phượng được đầu tư rất hiện đại, cán bộ nhiệt tình, nắm vững chuyên môn nên làm rất nhanh.
“Trước đây đã nhiều lần tôi muốn đến đổi GPLX tại Sở GTVT Hà Nội nhưng vì xa xôi nên ngại đi. Rất may dịch vụ này đã được đưa về địa phương, thuận lợi cho người dân như chúng tôi rất nhiều” - chị Đặng Thị Thường nói.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Nếu cả 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều được triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX thì không chỉ giảm hẳn áp lực cho sở, ngành, người dân, mà quan trọng hơn nữa là năng suất đáp ứng sẽ tăng cao gấp nhiều lần. Được lợi lớn nhất là người dân, không còn phải xếp hàng chờ đợi, đi lại vất vả như trước đây nữa”.
Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đang gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị để tiếp tục mở thêm nhiều điểm cung cấp dịch vụ cấp đổi GPLX tại các quận, huyện nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân. Bên cạnh đó người dân cũng cần tích cực tìm hiểu, sử dụng dịch vụ công mức độ 4 để làm thủ tục hoàn toàn trực tuyến, không cần đến điểm giao dịch nào vẫn có thể đổi được GPLX.
Cần thông tin rộng rãi hơn nữa
Tuy nhiên thông tin về việc triển khai thủ tục cấp đổi GPLX tại bộ phận Một cửa của UBND các quận, huyện vẫn chưa được phổ biến sâu rộng đến người dân. Không ít người dân tại 7 quận, huyện, thị xã đã được triển khai thủ tục cấp đổi GPLX chưa nắm được thông tin, vẫn lặn lội ra tận Sở GTVT, có thời điểm phải chờ đợi, đi lại khá vất vả.
Anh Phạm Văn Bách (huyện Phú Xuyên) cho biết, đầu tháng 4 này anh vẫn ra điểm tiếp nhận số 258 Võ Chí Công của Sở GTVT Hà Nội để làm thủ tục cấp đổi GPLX.
“Tôi ít đọc báo điện tử nên không nắm được thông tin có thể làm thủ tục ngay tại UBND huyện. Đi ra đến nơi cán bộ của Sở GTVT phổ biến mới nắm được” - anh Phạm Văn Bách nói.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Nam Từ Liêm, cho biết, những ngày đầu triển khai dịch vụ, bộ phận Một cửa của quận chỉ tiếp nhận khoảng 20 hồ sơ xin cấp đổi GPLX.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh nhận định: “Sau này khi người dân nắm được thông tin, mỗi ngày chúng tôi có thể tiếp nhận, giải quyết từ 80 - 100 trường hợp. Nếu cần thiết sẽ tăng thêm nhân lực, thiết bị để phục vụ Nhân dân”.
Ông Dương Văn Đức (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Chúng tôi rất hoan nghênh và phấn khởi vì có dịch vụ cấp đổi GPLX ngay tại địa phương. Tuy nhiên UBND quận và các phường, đoàn thể cần phổ biến thông tin rộng rãi hơn nữa đến người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng trung niên, cao tuổi vì chúng tôi không thành thạo sử dụng thiết bị di động, nhiều khi không nắm được thông tin qua báo điện tử, mạng xã hội”.
Chắc chắn, tuyên truyền, phổ biến thông tin sâu rộng đến người dân là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện hiệu quả dịch vụ cấp đổi GPLX tại địa phương. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi địa phương và Sở GTVT Hà Nội cần tập trung triển khai.
Có những địa phương dù chỉ mới bắt đầu nhưng đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, ví dụ như huyện Đan Phượng. Ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Đan Phượng cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX, Huyện đã tận dụng mọi kênh, thông tin đến người dân qua website của huyện, hệ thống loa phát thanh; thông qua các đoàn thể từ thôn, xóm đến xã, huyện… tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ và sử dụng dịch vụ tại chỗ thay vì phải đi xa đến các điểm giao dịch của Sở GTVT.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để người dân nắm bắt được thông tin, các địa phương phải vận dụng cả hai kênh tuyên truyền “mềm và cứng”. Mềm tức là sử dụng hệ thống loa phát thanh, website, trang fanpage mạng xã hội của chính quyền địa phương, hoặc in, dán thông báo tại các điểm giao dịch xã, phường, tổ dân phố, thôn, xóm để người dân biết thủ tục cấp đổi GPLX đã được thực hiện tại chỗ. Cứng tức là thông qua cán bộ đoàn thể, đưa nội dung thông tin vào các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố… để phổ biến đến từng gia đình, cá nhân.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nói: “Cấp đổi GPLX ngay tại địa phương là một chủ trương rất hay, hiệu quả và thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng. Nhưng chủ trương hay mà không được tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết và thực hiện thì sẽ kém hiệu quả”.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tốt nhất, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân biết, tránh trường hợp vì thiếu thông tin mà phải đi ra tận trung tâm TP để đổi GPLX như hiện nay.
Minh Tường