|
Các DN vận tải và phụ trợ điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19. |
Nhiều DN chết lâm sàng
Trong vòng 2 năm qua, 4 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã khiến mạng lưới VTHK của Hà Nội gần như tê liệt. Các DN buộc phải dừng hoạt động để thực hiện triệt để chiến lược phòng chống dịch của TP.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng cho biết, tất cả các DN từ vận chuyển, bến bãi, phụ trợ cho VTHK liên tỉnh, xe taxi, xe buýt… đều đang trong tình trạng chết lâm sàng. Không ít DN đã phá sản, nợ nần chồng chất, phương tiện bán chẳng ai mua. Hàng loạt nhà xe vận chuyển khách phải xoay sở bằng cách vận chuyển hàng, thậm chí có đơn vị “túng làm liều” chạy chui và phải nhận những hình thức xử phạt thích đáng.
“Bức tranh u ám của VTHK ngày càng tối màu hơn, DN thoi thóp hoặc chết hẳn, người lao động mất việc, ngân hàng cũng khó thu hồi nợ. VTHK vốn là mắt xích quan trọng của nền kinh tế, khi đứt gãy còn ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả các lĩnh vực khác” - ông Đỗ Anh Bằng nhận định.
Trên thực tế, nhu cầu đi lại của người dân cả liên tỉnh lẫn nội bộ Hà Nội còn rất lớn. Không có phương tiện vận chuyển, nhiều người dân chấp nhận cả cách đi “chui” bằng xe cứu thương, xe cứu hộ, xe cá nhân… vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khó lường vừa khiến các DN đang phải tạm dừng hoạt động đứng ngồi không yên.
Ngay cả hệ thống xe buýt của Hà Nội vốn được trợ giá từ ngân sách TP cũng khó lòng cầm cự lâu hơn. Hàng nghìn cán bộ, công nhân viên trên các tuyến xe buýt đang phải sống chật vật, lay lắt qua ngày, khoản tiền hỗ trợ khó khăn của Chính phủ và các DN là không đủ giúp họ lo toan sinh kế, đặc biệt khi con em họ bắt đầu đi học trở lại.
Một lãnh đạo DN vận tải trên địa bàn Hà Nội (xin giấu tên) chia sẻ: “Hà Nội đang đạt được những kết qủa rất tích cực trên mặt trận phòng chống dịch, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn hồi sức. Nên chăng TP cho phép hoạt động trở lại từng phần mạng lưới VTHK để đáp ứng nhu cầu đi lại trong Nhân dân, vừa kịp thời cấp cứu cho DN cũng như người lao động”.
|
Nên chăng TP cho phép hoạt động trở lại từng phần mạng lưới VTHK để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. |
Cần phương án tối ưu
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng chia sẻ: “Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đương nhiên phải được đặt lên hàng đầu. VTHK muốn khởi động trở lại phải rất thận trọng và đặc biệt là phải có “chìa khoá” Vaccine”.
Theo ông Đỗ Anh Bằng, hiện Hà Nội đã phổ cập Vaccine mũi 1 đến toàn dân, trong đó có cả cán bộ, công nhân viên làm việc trên các tuyến VTHK. Đó là một trong những điều kiện cần thiết để xem xét cho hoạt động lại dịch vụ VTHK. Tuy nhiên, đối với đội ngũ lái xe, phụ xe, nhân viên bán vé – những người tiếp xúc nhiều hàng ngày cần phải được tiêm đủ 2 mũi Vaccine.
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị hiện có khoảng hơn 7.000 người làm việc trên các tuyến xe buýt, và hầu như đều đã được tiêm 1 mũi Vaccine, nhưng mới chỉ có khoảng 5% được tiêm mũi thứ 2. “Chúng tôi đang rất mong mỏi các đượt tiêm tiếp theo để hoàn thành hai mũi Vaccine cho toàn bộ đội ngũ này, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi động lại hệ thống xe buýt” – Vị đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho hay.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, sau ngày 5/10 tới, Sở sẽ căn cứ vào báo cáo dịch tễ của ngành Y tế và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT để đề xuất việc khôi phục hoạt động VTHK cho phù hợp tình hình thức tế. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục chuyển biến khả quan, Sở GTVT dự kiến hướng đề xuất cho xe buýt hoạt động tối đa là 80% số chuyến lượt; các loại hình VTHK khác được hoạt động tối đa 50% số phương tiện.
Riêng đối với VTHK liên tỉnh, sẽ căn cứ vào sự thống nhất của Sở GTVT các địa phương để thống nhất thực hiện. Đặc biệt là yêu cầu lái xe ô tô và nhân viên phục vụ trên xe phải được tiêm đủ 2 mũi Vaccine mới tham gia hoạt động vận chuyển.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Vaccine đang thể hiện vai trò quan trọng, góp phần đẩy lui dịch bệnh Covid-19. Tuy không thể đảm bảo hiệu quả 100% nhưng có thể giảm đến 8/10 nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trong những giai đoạn chống dịch trước, các DN vận tải cũng đã thực hiện tốt các biện pháp như: khử khuẩn phương tiện, đảm bảo nhân viên và hành khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đầy đủ… Đó cũng là những biện pháp hỗ trợ rất hiệu quả đối với công tác phòng chống dịch.
Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Vận tải, trong đó có VTHK là mạch máu của nền kinh tế, muốn khôi phục sản xuất kinh doanh tất yếu phải khôi phục vận tải. Hà Nội cần xem xét tiêm đủ Vaccine cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên các tuyến VTHK, lấy đó làm một trong những cơ sở xem xét khởi động lại lĩnh vực này vì lợi ích của Nhân dân, DN và sự phát triển chung của toàn TP”.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi VTHK hoạt động trở lại, việc xét nghiệm Covid-19 đối với lái phụ xe và hành khách cần được cân nhắc. Chi phí việc này không nhỏ, trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn, người dân lại càng không sẵn sàng đáp ứng. Có thể xét nghiệm đối với lái phụ xe theo định kỳ và không liên tục 3 ngày/lần nếu đã tiếm đủ 2 mũi Vaccine. |