Văn hóa giao thông là thước đo văn hóa kinh doanh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung cho rằng, không ít DN, cá nhân KDVT hiện nay chưa thực sự “để mắt” đến văn hóa giao thông, chưa coi đây là thước đo văn hóa, đạo đức kinh doanh của mình.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, các DN, cá nhân KDVT, từ nhỏ lẻ như xe ôm cho đến quy mô lớn hơn như xe buýt, xe khách… đều đang chú trọng đến lợi nhuận. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chồng chất, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mục đích lớn nhất của họ đều là tồn tại, tăng thêm lợi nhuận. Ít có người nào KDVT mà tự giác đặt nặng vấn đề xây dựng văn hóa giao thông, thậm chí với họ điều đó chỉ là phù phiếm, bị ép buộc phải làm.
Người KDVT không nhận ra rằng, văn hóa giao thông chính là thước đo văn hóa kinh doanh của họ, là điều kiện quan trọng để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của họ trong mắt người dân. Nhiều DN sẵn sàng chi cả tỷ đồng để làm tuyên truyền, quảng cáo, thiết kế logo sao cho ấn tượng đẹp mắt, nhưng lại quên mất việc xây dựng hình ảnh xe KDVT đẹp, có văn hóa giao thông.
Theo quy định hiện nay, các DN KDVT đều phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cũng như ý thức cho người lái phụ xe. Tuy nhiên có thể thấy đối với không ít DN, công tác đào tạo này mới chỉ mang tính hình thức, làm cho có, cho đủ điều kiện. Các DN taxi nếu chú trọng tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông cho tài xế hẳn đã có những hình ảnh xe taxi dàn hàng, che biển số, dừng đỗ chèo kéo khách trước cổng các bệnh viện, bến xe; hay phóng nhanh, phanh gấp, trên đường phố đông đúc. Hay từ xe ôm truyền thống tự phát cho đến xe ôm công nghệ Grab, nếu quan tâm đến văn hóa giao thông đã không thường xuyên đi ngược chiều, chở hàng cồng kềnh, gây ức chế cho người tham gia giao thông xung quanh.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhìn nhận, trách nhiệm lớn nhất trong vấn đề này là của các DN. Việc buông lỏng quản lý, thiếu nghiêm túc trong giáo dục văn hóa giao thông, đạo đức kinh doanh của họ đã tạo nên một đội ngũ tài xế KDVT ô hợp, chưa có hiểu biết, nhận thức đúng đắn về việc chấp hành pháp luật giao thông. “Thậm chí nhiều DN còn ngầm khuyến khích tài xế bất chấp việc phạm luật để kiếm được lợi nhuận cao nhất. Hiện tượng này xuất hiện nhiều trong nhóm các xe kinh doanh vận tải hàng hóa, xe khách liên tỉnh, xe taxi…” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận xét.
Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại trong quản lý vận tải của Hà Nội nhiều năm qua. Công tác giám sát DN còn nặng về vấn đề giấy tờ, chứng chỉ, chưa sâu sát trong thực tế, dẫn đến các DN chỉ cần lo đủ thủ tục cho người lái xe rồi ngầm dung túng cho những hành vi tham gia giao thông xấu xí để tăng thêm lợi nhuận.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông trong nhóm người điều khiển phương tiện KDVT được tổ chức thường xuyên nhưng ít hiệu quả, nặng về hình thức, làm cho có, cho đủ. Đáng nói nhất là việc xử phạt đối với DN vận tải khi người lao động vi phạm giao thông chưa đủ nghiêm khắc. DN sau khi chấp hành xử phạt lại đổ thiệt hại xuống tài xế, nên cuối cùng họ vẫn thu lợi, còn hệ luỵ về giao thông thì cộng đồng gánh chịu.
Công tác quản lý của cơ quan chức năng, cung cách kinh doanh của DN, ý thức tự giác của người tài xế là ba yếu tố đều còn trì trệ hiện nay, dẫn đến tình trạng xe KDVT ngang nhiên phạm luật, lan truyền thói hư tật xấu, làm thoái trào văn hóa giao thông của Hà Nội. Đó là vấn đề cấp bách cần được nhìn nhận thẳng thắn và có những biện pháp thực sự mạnh mẽ mới có thể dần dần giải quyết được.

Thế Hà

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h