Vận tải hành khách liên tỉnh gần như “bất động”

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ ngày 13/10, Hà Nội cho phép nối lại vận tải hành khách (VTHK) liên tỉnh trên một số tuyến, nhưng trên thực tế chỉ có rất ít doanh nghiệp hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do cả nhà xe lẫn hành khách đều đang còn rất e dè với vấn đề thủ tục đi lại.

Bến xe đìu hiu

Sau khi nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã cho thí điểm khôi phục VTHK liên tỉnh theo Quy định tạm thời của Bộ GTVT từ ngày 13/10. Cụ thể các tuyến đi: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La được triển khai 5% số chuyến theo biểu đồ.

Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, tại các bến xe lớn của Hà Nội, hoạt động VTHK liên tỉnh vẫn rất yên ắng, đìu hiu. Như ở bến xe Mỹ đình mới có một tuyến xe duy nhất đi Hà Nội - Cao Bằng hoạt động trở lại; tuy nhiên lượng hành khách không nhiều, chỉ đạt khoảng 30% số ghế. Các bến xe: Nước ngầm, Giáp bát thì “cửa đóng, then cài”, vắng lặng vì không có xe khai thác.

Van tai hanh khach lien tinh gan nhu “bat dong” - Hinh anh 1
 Bến xe Mỹ Đình chỉ có duy nhất một xe xuất bến đi Cao Bằng mỗi ngày.. 

Chị Hoàng Thị Hoa trú tại, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm chia sẻ: “Tôi được biết thông tin xe khách hoạt động trở lại, nên đi ra bến về quê sau nhiều ngày mắc kẹt lại Hà Nội, nhưng ra bến mới biết xe chưa hoạt động”. Theo chị Hoàng Thị Hoa, trước đây, chỉ cần ra bến Mỹ Đình là bắt được xe đi luôn nhưng giờ gọi tất cả nhà xe quen đều nhận được câu trả lời là chưa biết bao giờ chạy lại. Nhiều dịch vụ đi xe chung đã hoạt động trở lại nhưng ghép xe rất khó, đi ít người thì chi phí lên đến 1 triệu đồng/người”.

Chị Lò Thị Lý trú tại Sìn Hồ (Lai Châu), cho biết: “Tôi đang rất cần xuống Hà Nội đi làm, chủ cơ sở giục giã suốt nhưng không tìm được xe. Một số nhà xe cho biết, nhanh nhất cũng phải tới ngày 20/10 mới chạy lại. Hơn nữa tôi cũng đang rất lo lắng, không biết để vào được Hà Nội cần thủ tục gì, có phải cách ly nhiều ngày hay không?”.

Trao đổi với PV Giathonghanoi, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết: “Thời điểm này, bến mới khai thác 1 chuyến xe/ngày giữa Hà Nội với Cao Bằng, dự kiến trong ngày 17/10, tuyến Hà Nội - Hà Giang sẽ hoạt động trở lại. Bến đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị để tiếp nhận, nhưng lượng xe đăng ký chạy lại cho tới thời điểm này vẫn quá ít”. Lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình thông tin thêm, để đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19, tất cả các hành khách đều được lưu lại thông tin khi đến bến xe và được yêu cầu thực hiện tuân thủ 5K. Bến xe Mỹ Đình cũng đã chuẩn bị nhân lực, kịch bản cho những tình huống rủi ro dịch bệnh.

Nhà xe hững hờ

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ông Đỗ Anh Bằng cho biết: “Các đơn vị vận tải đều đã nắm được thông tin cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà xe xác định nhu cầu khách ít và điều kiện phòng dịch khắt khe, các địa phương chưa đồng bộ quy định việc đón hành khách từ các tỉnh về khiến nhiều tuyến chưa thể hoạt động được”.

Van tai hanh khach lien tinh gan nhu “bat dong” - Hinh anh 2
 Bến xe Giáp Bát vẫn trong tình trạng "cửa đóng, then cài" vì không có nhà xe nào hoạt động.

Theo ông Bằng, chi phí để hoạt động một chuyến xe tăng lên khá nhiều cũng là một nguyên nhân khiến các nhà xe hững hờ, chưa muốn khai thác. Cụ thể là quy định tần suất khai thác xe chỉ được 5% so với bình thường, tài xế, phụ xe phải tiêm 2 mũi và xét nghiệm Covid-19, sau mỗi chuyến xe phải vệ sinh, khủ trùng phương tiện. Chưa kể mới đây giá xăng dầu liên tục tăng, lập đỉnh của nhiều năm, khiến các đơn vị vận tải càng e dè, sợ lỗ.

Anh Trần Tuấn Anh, Hợp tác xã vận tải ô tô số 1 Cao Bằng, thông tin: “Để có thể vận hành được một chuyến xe chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, chuyên môn để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của lái phụ xe không nhiều, nếu trên xe xuất hiện F0 hay F1 chi phí cho nhân viên đi cách ly còn gấp nhiều lần so với lợi nhuận thu được từ việc hoạt động trở lại”.

Bên cạnh đó, anh Trần Tuấn Anh cho rằng, việc chỉ hoạt động với tần suất khai thác xe 5%, sau mỗi chuyến hoạt động phải về nghỉ đến cả gần 2 tuần sau mới đến lượt chạy tiếp khiến nhiều nhà xe “cụt hứng”. Đặc biệt, các quy định tiếp nhận người dân tại các địa phương còn chưa đồng nhất, khiến người dân lo lắng, không muốn di chuyển. Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa khôi phục hoạt động, chưa có việc làm; các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội vẫn dạy - học trực tuyến nên người dân có nhu cầu trở lại TP vẫn còn rất ít.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn nhận định, vận tải hành khách liên tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên để có thể phục hồi vận tải hành khách điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo được công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“Việc sớm phủ kín Vaccine toàn dân là điều kiện tiên quyết đối với việc phục hồi lại vận tải hành khách liên tỉnh. Ngoài ra, TP Hà Nội nên xem xét cho phép trường học, và nhiều loại hình kinh doanh sản xuất khác được hoạt động trở lại thì nhu cầu đi lại giữa các tỉnh thành của người dân mới tăng, qua đó mới đủ điều kiện phục hồi mạng lưới VTHK liên tỉnh” - Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn nói.

Thông tin từ Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, đến ngày 14/10 đã có 36 Sở GTVT báo cáo về việc triển  khai VTHK liên tỉnh. Đáng chú ý là mới chỉ có 48 tuyến xe hoạt động với tần suất từ 1 - 6 xe/ngày nhưng không có khách nào đi xe. Nhiều tuyến ở vùng không còn dịch như: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái…, hay xe từ bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đi các tỉnh cũng không có khách nào, các tuyến còn lại chở từ 1 đến 12 hành khách/chuyến.

Từ ngày 13 - 14/10 đã có 13 tỉnh thành triển khai hoạt động xe khách liên tỉnh với 91 tuyến, 169 chuyến đăng ký hoạt động/ngày. Thực tế hoạt động chỉ 73 tuyến, với 81 xe hoạt động/ngày, chở 251 khách.

 

Tin liên quan