|
Vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh trong dịp nghỉ Tết vừa qua. |
Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, CSGT cả nước xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm giao thông), tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%) so với Tết 2022.
Một trong những nguyên nhân chính khiến số “ma men” bị xử phạt tăng cao trong kỳ nghỉ Tết vừa rồi là nhờ lực lượng chức năng cả nước đẩy mạnh và thực hiện rất hiệu quả chiến dịch kiểm soát vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, từ đầu năm 2022, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, thời gian thực hiện từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/12/2022. Kết quả, trong năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 270.601 trường hợp vi phạm. Trung bình mỗi ngày khoảng 700 - 800 trường hợp bị xử lý.
Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, Luật sư Luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, số vụ vi phạm nồng độ cồn dịp Tết tăng mạnh cũng cho thấy chế tài xử phạt với hành vi này vẫn chưa thật sự đủ sức răn đe dù thực tế hiện nay, mức phạt tiền là tương đối cao.
“Ngoài xử phạt hành chính cần có những hình thức xử phạt bổ sung khác thì các “ma men” mới sợ và không dám vi phạm” – Luật sư Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định. Chuyên gia pháp lý này cho hay, có thể bổ sung thêm các hình thức xử phạt khác đối với người vi phạm nồng độ cồn như tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật GTĐB, kể cả buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông...
Đặc biệt, phải thay đổi nhận thức về hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Luật sư Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định, hành vi này phải được coi là lỗi cố ý gián tiếp thay vì lỗi vô ý như hiện nay.
“Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu, bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý” – Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Cần đa dạng hình thức xử phạt với vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Trong đó, cần những quy định xử phạt cho mức trên 0,4 miligam/lít khí thở và chia cụ thể thành từng khung như: 0,4 - 0,8 miligam/lít khí thở; 0,8 - 1,2 miligam/lít khí thở và trên 1,2 miligam/lít khí thở. Không để tình trạng người uống 1 cốc bia cùng mức phạt với người uống 10 cốc – Giảng viên Đại hoc GTVT, TS Lê Thu Huyền.
|