|
Hàng dài phương tiện "chôn chân" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: Vĩnh Phú). |
Nhiều tuyến cao tốc quá tải
Từ sáng sớm Mùng 2 Tết, lưu lượng phương tiện đổ về cao tốc Nội Bài – Lào Cai bỗng tăng cao đột biến. Bắt đầu từ 8 giờ sáng, hàng dài phương tiện nối đuôi nhau “chôn chân” tại khu vực nút giao IC9. Tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài tại đây khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Trước tình trạng trên, đơn vị quản lý cao tốc Nội Bài – Lào Cai là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phương án mở làn ngược chiều tạm thời để giải tỏa áp lực phương tiện tại một số trạm thu phí có lưu lượng đông như Km6, IC7, IC9. Nhờ đó, tình trạng ùn tắc đã sớm được giải quyết.
Lãnh đạo VEC cho biết, nhờ các phương án đã được chuẩn bị theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên các trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai do đơn vị này quản lý không có chỗ nào ùn tắc phương tiện nghiêm trọng.
Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và cầu Rạch Miễu cũng xảy ra tình trạng ùn tắc do phương tiện đổ về quá đông.
Tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, tình trạng ùn tắc bắt đầu xuất hiện từ trưa Mùng 2 Tết do lượng xe quá đông kèm theo một số phương tiện gặp sự cố.
Tình trạng ùn tắc kéo dài từ nút giao An Phú, thuộc địa phận TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đến khu vực trạm thu phí Long Phước. Nhiều phương tiện đi theo hướng từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về đến đây thì bị kẹt cứng. Tắc nghẽn lan từ đường dẫn cao tốc ra đường Mai Chí Thọ, ngã ba Cát Lái.
Để giải tỏa ùn tắc, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp phân luồng từ xa, giải tỏa, xả một số làn trên trạm thu phí để tăng lượng xe thoát ra. Đến trưa cùng ngày, giao thông dần trở lại bình thường.
Theo đại diện VEC E thì trung bình các ngày trong tuần, lưu lượng phương tiện qua cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đạt khoảng 38.000 - 42.000 lượt xe/ngày đêm, các ngày cuối tuần đạt khoảng 43.000 - 46.000 lượt xe/ngày đêm. Những ngày lễ, Tết thì cao hơn. Đây chính là lý do khiến tuyến đường này dễ rơi vào tình trạng ùn tắc.
Tình trạng ùn tắc cũng xảy ra tại cầu Rạch Miễu (giáp ranh tỉnh Tiền Giang và Bến Tre). Bắt đầu từ 10 giờ ngày Mùng 2 Tết, mật độ phương tiện qua lại cầu Rạch Miễu bắt đầu tăng cao đã gây ùn ứ giao thông tại nhiều địa điểm.
Nghiêm trọng nhất là đoạn QL60 từ ngã ba Trung Lương đến chân cầu Rạch Miễu hàng trăm ô tô phải đậu nối đuôi nhau để chờ qua cây cầu này. Phía trên cầu Rạch Miễu và QL60 địa bàn xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Đại diện Phòng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, tình hình giao thông khu vực cầu Rạch Miễu diễn biến rất phức tạp từ thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Do lưu lượng phương tiện đổ về quá lớn, tình trạng ùn tắc kéo dài đã xảy ra tại cây cầu này. Bên cạnh đó, việc trạm BOT cầu Rạch Miễu rất hạn chế xả trạm càng khiến tình trạng ùn tắc khó giải quyết và lực lượng chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý, điều tiết giao thông.
|
Các trạm BOT phải xả trạm ngay lập tức khi xuất hiện ùn tắc kéo dài (Ảnh: Lê Thanh). |
Chần chừ xả trạm sẽ khiến ùn tắc thêm nghiêm trọng
Trên thực tế, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công điện yêu cầu các nhà đầu tư BOT, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đảm bảo an ninh, trật tự ATGT tại các trạm thu phí trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2022.
Thông điệp được đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đưa ra rất rõ ràng. Đó là các nhà đầu tư BOT phải tăng cường lực lượng, đảm bảo an ninh, trật tự; phân làn, phân luồng và các giải pháp phù hợp đảm bảo trạm thu phí hoạt động liên tục, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, các trạm thu phí có nguy cơ ùn tắc, nhất là các trạm thu phí cửa ngõ ra vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện trong việc mua vé qua trạm.
“Nhà đầu tư phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm theo quy định hoặc phân luồng khi cần thiết điều tiết giao thông, tránh gây ùn tắc” – Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Việc phương tiện tăng đột biến khiến nhiều tuyến đường, cao tốc ùn tắc vào dịp Tết là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, sự chần chừ và chậm trễ trong việc đưa ra các giải pháp thông xe tức thời, đặc biệt là việc xả trạm là nguyên nhân không nhỏ khiến tình trạng kẹt xe tại các trạm BOT thêm nghiêm trọng.
“Việc các trạm BOT phải xả trạm khi ùn tắc kéo dài xảy ra vào dịp lễ, Tết đã được áp dụng từ nhiều năm qua chứ không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, nhiều trạm thu phí vẫn chần chừ không chịu xả trạm vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu của họ” – chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Tại Khoản 6, Điều 15 Nghị định 100 quy định phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí để xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 100 - 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe từ 750m đến 1km, để thời gian đi qua trạm thu phí lớn hơn 10 - 20 phút; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu để số lượng xe ô tô xếp hàng lớn hơn 150 - 200 xe hoặc lớn hơn 1 - 2km; phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí để xe ôtô xếp hàng chờ trước trạm dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc lớn hơn 2km; phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng nếu đơn vị quản lý không chấp hành yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.
|